Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy tiếp tục xác định 'Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ' là nhiệm vụ đột phá. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược; là yếu tố cơ bản quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Những kết quả quan trọng
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XVIII về phát triển nguồn nhân lực, Kết luận số 17 của Tỉnh ủy khóa XIX đã xác định 14 nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt gần 60%.
Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó đã thu hút hơn 200 trí thức là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về tỉnh công tác. Riêng ngành y tế thu hút gần 200 bác sĩ và có 800 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được đào tạo bác sĩ chuyên khoa, cao học và nghiên cứu sinh.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy chú trọng đến công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ quản lý các cấp; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đó có kế hoạch cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh đã cử gần 600 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị, 12 cán bộ đào tạo thạc sĩ; gần 50 CBCC học các lớp đại học chính trị. Tỉnh phối hợp với các cơ quan tham mưu mở 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 532 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện; 4 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho chức danh Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; gần 70 cán bộ học các lớp ngắn và trung hạn, chuyên viên cao cấp... Các CBCCVC sau đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy trình độ, năng lực, đóng góp tích cực vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng được chú trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 51.986 học sinh, sinh viên; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 14.392 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85% và cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Việc gắn kết với doanh nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất; quá trình thực tập, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, kinh phí vật tư cho sinh viên. Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học... góp phần giải quyết việc làm và cung ứng lao động cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo
Với quyết tâm chính trị cao, Quảng Ngãi đã đạt được những thành công bước đầu trong công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển nguồn nhân lực được xem là đột phá chiến lược có vai trò quan trọng, bởi phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: Để thực hiện tốt nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Tỉnh ủy đã xác định nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quảng Ngãi sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Việc xác định các chính sách ưu đãi đối với nhân lực chất lượng cao là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là tạo môi trường làm việc tốt, tôn trọng và phát huy năng lực của cán bộ. Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, khuyến khích tinh thần tự học tập, tự đào tạo, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ CBCCVC.
Quảng Ngãi xác định cần tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công, cụ thể là các CBCCVC. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời, đề cao tinh thần tự học tập, tự đào tạo, tự nghiên cứu trong CBCCVC, vì chính họ là người hiểu rõ nhất mình cần học tập, nghiên cứu thêm nội dung gì, lĩnh vực gì để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Các cơ sở này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo kỹ năng, bổ sung kiến thức, bồi dưỡng đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị của CBCCVC. Thứ tư, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, sắp tới Tỉnh ủy sẽ thực hiện một số đổi mới trong công tác giới thiệu, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đồng thời, lần đầu tiên xác định nhiệm vụ xây dựng Đề án lựa chọn, hỗ trợ đào tạo, quy hoạch, theo dõi, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai cho hệ thống chính trị của tỉnh cho 5 năm, 10 năm, 20 năm đến. Thứ năm, đối với nhân lực trong khu vực tư nhân, cần đổi mới và nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đây là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng lao động, hạn chế lãng phí trong đào tạo và sử dụng lao động, góp phần quan trọng trong giải quyết bài toán nguồn nhân lực có chất lượng cho các dự án đầu tư. Và cuối cùng là chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là giải pháp rất quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, góp phần nâng cao năng suất lao động. Giải pháp này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nói riêng và chất lượng lao động của tỉnh nói chung.