Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón từ rơm rạ, tại sao không?

Tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở tỉnh ta vẫn diễn ra phổ biến, gây ra nhiều tác hại và gây lãng phí nguồn nguyên liệu có thể sản xuất phân bón.

Nông dân xã Thanh Hải (Thanh Hà) vẫn đốt rơm rạ dư thừa sau thu hoạch lúa mùa năm 2019

Nông dân xã Thanh Hải (Thanh Hà) vẫn đốt rơm rạ dư thừa sau thu hoạch lúa mùa năm 2019

Công tác tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt trong những năm qua. Nhiều nông dân đã nhận thức rõ việc đốt rơm rạ không chỉ gây nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông mà còn gây mất cân bằng sinh học, tiêu hao các chất hữu cơ, chất khoáng, suy thoái đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ và năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch, lượng rơm rạ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp rất ít, nông dân chủ yếu vẫn đốt hoặc xả bừa bãi trên đường giao thông hoặc vứt xuống kênh mương, ao hồ... vì không có chỗ chứa.

Tỉnh cũng đã quan tâm đến việc xử lý rơm rạ dư thừa. Ngày 31.5.2011, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khung tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định rõ mục tiêu là tổ chức xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng độ phì nhiêu của đất nông nghiệp, bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững ở các địa phương trong toàn tỉnh. Chủ trương xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học là đúng đắn. Các ngành liên quan và chính quyền các địa phương cũng đã bắt tay vào cuộc. Các nhóm giải pháp được đưa ra như tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; chuyển giao công nghệ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; hỗ trợ kinh phí thực hiện; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên...

Các mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học bước đầu cho hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng rất khó do bà con nông dân chưa thực sự mặn mà bởi yếu tố mùa vụ gấp gáp, địa điểm ủ rơm rạ không thuận tiện, kinh phí hỗ trợ còn hạn chế. Một số nơi chính quyền chưa thực sự vào cuộc dẫn đến có chỗ thực hiện, nơi lại không... Những nguyên nhân này dẫn tới tỷ lệ rơm rạ được xử lý thành phân bón còn ít, nông dân chủ yếu đem đốt hoặc xả bừa bãi ra đường hoặc kênh mương, ao hồ.

Hiện nay, việc xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch vẫn là một bài toán khó giải. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì môi trường sẽ ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng và làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vậy nên, việc xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ dư thừa xem ra sẽ khả thi hơn. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch nhiều, có thể thu mua với giá rẻ hoặc xin được của nông dân nên chi phí đầu vào sẽ thấp. Thứ hai, công nghệ sản xuất cộng với các chế phẩm sinh học để sản xuất rơm rạ thành phân bón hữu cơ đã sẵn có... Điều quan trọng nhất là thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cần có những cơ chế chính sách đi kèm như tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng nhà máy, hỗ trợ doanh nghiệp bán sản phẩm tới nông dân...

Việc xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ dư thừa sẽ thành hiện thực nếu nhận được sự quan tâm thực sự của chính quyền và doanh nghiệp. Chủ trương này sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân bởi sẽ tạo ra sản phẩm phân bón hữu ích cho nông nghiệp, lại góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

AN THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/xay-dung-nha-may-san-xuat-phan-bon-tu-rom-ra-tai-sao-khong-121499