Xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân
Vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng, thể hiện ở tất cả các văn kiện Đại hội Đảng và văn kiện của Trung ương.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, TS Đào Ngọc Báu, Phó viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Nhà nước pháp quyền là sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Trong nhà nước ấy, Hiến pháp và pháp luật phải được đề cao nhất. Có 3 tiêu chí cơ bản của Nhà nước pháp quyền: phải có pháp luật để thực thi; khi đã có luật thì phải thực hiện nghiêm theo luật; mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo pháp luật.
* Vì nhân dân phục vụ
Thưa ông, nhìn vào 3 tiêu chí cơ bản trên, Việt Nam đã có Nhà nước pháp quyền chưa?
- Việt Nam đã có Nhà nước pháp quyền nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm và phải tiếp tục hoàn thiện nó. Ví dụ ở tiêu chí số 1 và số 2, chúng ta đã ban hành rất nhiều luật và đã thực hiện nghiêm theo luật nhưng đâu đó có những trường hợp chưa làm nghiêm theo luật, cho nên phải chấn chỉnh để thượng tôn pháp luật.
Ở tiêu chí thứ 3 - mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo pháp luật - để thực hiện tiêu chí này chúng ta phải có nền tư pháp độc lập. Tuy nhiên cần phân biệt rõ 2 khái niệm: quyền tư pháp độc lập và hoạt động tư pháp độc lập. Hiện nay các thế lực thù địch đang lập lờ, cổ súy cho quyền tư pháp độc lập, mà nếu thực hiện quyền tư pháp độc lập thì phải đi theo tam quyền phân lập nhưng ở Việt Nam không đi theo tam quyền phân lập, vì quyền tư pháp không độc lập, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và chịu sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ có hoạt động tư pháp mới độc lập.
Vậy việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
TS ĐÀO NGỌC BÁU chia sẻ, một trong những điều rất đơn giản mà hiện nay có nơi cũng chưa làm được, đó là nụ cười với dân. Nụ cười không mất tiền mua, cười không có nghĩa là xuề xòa, không có nghĩa là để làm trái luật mà cười để thân thiện khi giao tiếp, còn trong công việc cứ đúng luật mà làm.
- Từ tháng 1-1994, Nhà nước pháp quyền chính thức được đề cập tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ lần thứ VII của Đảng. Đến năm 2001, khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lần đầu đưa thuật ngữ Nhà nước pháp quyền vào Hiến pháp.
Từ đó đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội trước, đồng thời bổ sung và phát triển 6 điểm mới, gồm: khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục xây dựng Nhà nước vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền phải luôn đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền con người; lấy con người là trung tâm phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
* Đề cao sự minh bạch
Xin ông cho biết, Việt Nam đã có giải pháp như thế nào về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân?
- Thứ nhất, để xây dựng Nhà nước pháp quyền liêm chính, các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải đề cao sự minh bạch trong hoạt động của mình. Khi minh bạch, sẽ hạn chế được tham nhũng và để minh bạch, cứ theo luật mà làm. Minh bạch thì Nhà nước mới được thượng tôn.
- Thứ hai, một Nhà nước pháp quyền hiệu lực, hiệu quả, Nhà nước ấy phải thực sự vì dân, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, thương yêu dân, kính trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân. Bác luôn thẩm thấu triết lý phát triển của Việt Nam được các bậc minh quân, triết gia tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, cho nên xuyên suốt hai cuộc kháng chiến lịch sử trường chinh của dân tộc, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã kêu gọi được toàn dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho nước nhà.
Ngày nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, từng cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật, phải thực sự liêm chính. Liêm chính để làm gương cho dân noi theo.
Theo ông, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần những yếu tố nào?
- Điều đầu tiên đó là phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về yêu cầu liêm chính đối với cán bộ, công chức. Những quy định này đã được chỉ rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cùng với thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về yêu cầu liêm chính đối với cán bộ, công chức, phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật về yêu cầu chuyên nghiệp trong công việc đối với cán bộ, công chức. Như ứng xử, giao tiếp phù hợp với yêu cầu công tác; không hút thuốc lá trong phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn tại công sở… Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về yêu cầu trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ, công chức (không được trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao; không gây bè phái, mất đoàn kết; không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi; đối xử khách quan, công bằng với mọi người dân…).
Từ những điều thường ngày này có thể thấy, xây dựng Nhà nước pháp quyền không phải là điều gì cao siêu, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong từng hành động cụ thể hãy nhớ nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện, luôn minh bạch vì dân thì đó là Nhà nước pháp quyền.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hằng (thực hiện)