Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh hiện nay
Xây dựng và hoàn thiện nhà nước ta theo hướng nhà nước pháp quyền XHCN trên quan điểm của Đảng là công việc to lớn, lâu dài; đòi hỏi phải được nghiên cứu nghiêm túc từ nhiều phương diện
Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là xây dựng một nhà nước với lý tưởng dân chủ, nhân đạo và công bằng; là nhà nước mà toàn dân cũng như mỗi công dân là chủ thể, hơn nữa là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước.
Xây dựng, hoàn thiện tổ chức quyền lực nhà nước
Đó là nơi mà tuyên ngôn "mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân" trở thành hiện thực sinh động của đời sống chính trị; là nơi nhà nước, pháp luật thực sự bắt nguồn từ nhân dân, của công dân và phục vụ cho dân; là chế độ nhà nước mà công dân là trung tâm. Mặt khác, đó cũng là chế độ nhà nước được tổ chức văn minh và trật tự, có cơ chế an toàn và hiệu quả, ngăn chặn mọi sự lạm quyền, vi phạm quyền công dân.
Đó là nơi mà mọi mặt tổ chức và hoạt động của nhà nước đều đặt trên cơ sở pháp luật, chịu "sự quản lý thống nhất" của pháp luật. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân hay nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhân dân thành lập nhà nước bằng phổ thông đầu phiếu. Để có một cuộc bầu cử dân chủ cần trước hết, là lựa chọn ứng viên theo ý dân. Nhưng ý dân không phải rời rạc của từng người, không phải số đông của các ý chí cộng đồng. Đó là sự kết hợp hài hòa, cân nhắc một cách khách quan ý muốn của Đảng (Đảng cử) và ý muốn của dân (dân bầu) theo một thể chế luật định.
Nhân dân trao quyền lực cho nhà nước, trở thành quyền lực nhà nước - trung tâm của quyền lực chính trị, được thực hiện thông qua pháp luật, trước hết là Hiến pháp quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của công dân và mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với đời sống dân sự.
Các quyền chỉ thuộc về công dân cần được pháp luật ghi nhận, như: trưng cầu ý dân, bãi miễn đại biểu nhân dân, giám sát, khiếu nại tố cáo, khiếu kiện là ghi nhận chúng vào pháp luật, đồng thời với việc ấn định nhà nước có nghĩa vụ tổ chức thực hiện các quyền đó.
Quyền lực thống nhất của nhà nước được bảo đảm bằng hoạt động tư pháp, đặc biệt là xét xử. Xét xử có mục đích cuối cùng là bảo đảm sự tuân theo luật của xã hội và nhà nước. Muốn làm được điều này phải thiết chế các cơ quan bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, xét xử hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến quyền, tự do, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân từ phía cơ quan hành chính nhà nước và viên chức nhà nước, phải hoàn thiện các cơ quan xét xử tội phạm, vi phạm và giải quyết tranh chấp trong nhân dân. Khắc phục sự "dân dã hóa" tính từ nhân dân trong cụm từ TAND, làm cho tòa án có bộ mặt tương xứng với vị trí xã hội của nó, các thẩm phán "quan tòa" có vị trí tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Quyền lực thống nhất của nhà nước được phân công cho các cơ quan, tổ chức nhà nước để thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp, quyền hành pháp là những thẩm quyền được thực hiện bởi bộ máy hành chính nhà nước và sự kết ước bằng hợp đồng hành chính tạo thành hoạt động công vụ nhà nước, trong đó nền hành chính có vai trò quyết định. Vai trò quyết định ấy được thực hiện tuân theo nguyên tắc pháp lý là: hành chính được quyền hành động để quản lý xã hội nhưng phải lệ thuộc vào pháp luật; hành chính được quyền hành động vì lợi ích công nhưng phải chịu trách nhiệm công vụ khi gây ra thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của nhân dân trước quyền lực nhà nước. Nói cách khác, hành chính là hoạt động dưới quyền lực của pháp luật. Còn quyền tư pháp là quyền tài phán bằng hoạt động xét xử theo pháp luật tố tụng của các tòa án. Quyền tư pháp còn được thực hiện bởi các cơ cấu quyền lực bằng hoạt động trực tiếp liên quan đến xét xử.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Quan điểm Đảng ta là Đảng cầm quyền, là điều khẳng định. Sự cầm quyền của Đảng được thực hiện bằng việc đề ra đường lối, chính sách, nắm vững tổ chức và cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo; lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng chứ không thông qua cá nhân đảng viên; kiểm tra bằng nghị quyết và cho ý kiến chỉ đạo, kiểm tra thực hiện, không điều hành thay nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là điều kiện bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, giữ đúng bản chất nhà nước XHCN, đủ hiệu lực quản lý đất nước theo định hướng XHCN.
Trong tình hình hiện nay, cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống lại các luận điệu thù địch, khắc phục những nhận thức, quan điểm mơ hồ, lệch lạc. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là phải gắn liền và dựa trên cơ sở đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Về nội dung và phương thức lãnh đạo, Đảng lãnh đạo nhà nước là đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn; chăm lo công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, bố trí cán bộ trong các cơ quan Đảng và nhà nước, kiến nghị và giới thiệu cán bộ với các cơ quan dân cử một cách dân chủ; thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thuyết phục và động viên quần chúng thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đảng lãnh đạo nhà nước xây dựng cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của nhà nước, lãnh đạo việc đổi mới bộ máy nhà nước, thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa chiến lược thành kế hoạch, chính sách, chế độ quản lý nhà nước…
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân (điều 9 - Hiến pháp 2013). Đó là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền nhân dân, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời, động viên toàn bộ xã hội, các đoàn thể xã hội tham gia xây dựng chính quyền nhân dân, kiểm tra, giám sát các cơ quan, chức vụ nhà nước trong thực thi quyền lực và công vụ.