Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện: Nâng tầm thương hiệu đặc sản
Với mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gạo Phú Thiện nhằm nâng cao uy tín, thị phần tiêu thụ cũng như giá trị kinh tế cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, phân phối), UBND huyện Phú Thiện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện.
Phú Thiện là vùng đất có lợi thế lớn về tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp nhờ đại công trình thủy lợi Ayun Hạ với năng lực tưới 13.500 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa nước 2 vụ với khoảng 12.000 ha cho cả thung lũng Ayun Pa gồm 2 huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa; trong đó huyện Phú Thiện là trung tâm của vựa lúa. Những năm qua, Phú Thiện ngày càng khẳng định vị thế số 1 của tỉnh trong sản xuất cây lúa nước. Hiện Phú Thiện có trên 6.500 ha chuyên canh lúa nước 2 vụ, tạo ra những kỳ tích về năng suất và làm thay đổi cuộc sống của người trồng lúa.
Gạo Phú Thiện được sản xuất từ giống lúa LH12, OM4900 và TBR225 do các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh chọn tạo và lấy địa danh Phú Thiện đặt tên. Những năm gần đây, các giống lúa này trở thành chọn lựa số 1 của nhà nông trên địa bàn do có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Phú Thiện là điều hết sức cần thiết nhằm nâng cao vị thế và giá trị hạt gạo, góp phần cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Theo đó, UBND huyện Phú Thiện đã phối hợp với Sở KH-CN xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện. Ngày 13-9-2019, sản phẩm gạo Phú Thiện được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Việc được định danh trên bản đồ lúa gạo trong cả nước sẽ giúp hạt gạo Phú Thiện nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là bước khởi đầu để thương hiệu gạo Phú Thiện phát triển và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tuy nhiên, sau dấu mốc này, huyện Phú Thiện cần tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là xúc tiến thương mại cho sản phẩm, đưa sản phẩm tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của huyện và tỉnh, hỗ trợ các hợp tác xã tìm kiếm đơn vị phân phối, góp phần mở rộng thị trường và tạo uy tín cho sản phẩm gạo Phú Thiện. Quan trọng nhất là các hợp tác xã nông nghiệp và người dân cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Cùng với đó, nông dân phải có nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính bản thân họ. Huyện Phú Thiện cũng đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân nhận thấy lợi ích về kinh tế từ việc tham gia cánh đồng lớn để mạnh dạn chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững, góp phần xây dựng những nhãn hiệu gạo đặc sản có xuất xứ từ vựa lúa Phú Thiện.
Thời gian tới, Sở KH-CN sẽ cùng đồng hành với địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất như: nghiên cứu và phát triển giống lúa chất lượng cao; sản xuất theo hướng VietGAP; áp dụng công nghệ bảo quản và chế biến tiên tiến sau thu hoạch nhằm tạo ra những sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện đảm bảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục các hoạt động quản lý và quảng bá thương mại, kiểm soát hệ thống phân phối, tiêu thụ, hạn chế thấp nhất xung đột lợi ích trong chuỗi, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chứng nhận, qua đó mang lại lợi ích cho nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương cũng như người tiêu dùng.
NGUYỄN NAM HẢI
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ