Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm: Tạo đà cho phát triển sản xuất
PTĐT - Nhãn hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, 'chắp cánh' cho các nông sản vươn xa với các điều kiện cần và đủ về nguồn gốc, xuất xứ,...
PTĐT - Nhãn hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho các nông sản vươn xa với các điều kiện cần và đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn tỉnh phát triển gắn liền với các làng nghề, hợp tác xã (HTX) theo hướng sản xuất quy mô lớn, có tính hàng hóa. Trước sự thay đổi của cơ chế thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, người sản xuất xác định rõ, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến thành công. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người sản xuất phải xóa bỏ tư duy làm theo kinh nghiệm theo phương pháp thủ công, chuyển sang sản xuất theo quy trình có kiểm tra, giám sát, sử dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ để tạo số lượng hàng hóa lớn.Làng nghề sản xuất tương Dục Mỹ, ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, được UBND tỉnh cấp bằng công nhận năm 2009, đã kế thừa và phát triển nghề làm tương truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, các hộ mới chỉ tuân thủ quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm, chưa có sự thống nhất về kỹ thuật, thời vụ, thời gian ủ, lên men… nên chất lượng tương giữa các hộ không đồng đều. Sau nhiều năm làm nghề, người dân nhận thấy muốn cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm cần thay đổi thói quen, tư duy sản xuất, đồng thời chú ý đến công tác tổ chức và quản lý sản phẩm. Từ đó, hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tương Dục Mỹ được thành lập với sự tham gia của 38 thành viên, là đơn vị chủ thể trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu tương Dục Mỹ. Ông Đỗ Văn Bảy - Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ tương Dục Mỹ ở khu 15, xã Cao Xá cho biết: “Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần cả quá trình lâu dài, do đó, ngay từ khi bắt đầu tạo lập, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể chúng tôi đã lựa chọn các hộ có đầy đủ các điều kiện hoạt động về sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm, sau đó họp bàn, thống nhất về hình thức, phương pháp làm. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã thành lập ban giám sát thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất, dụng cụ sử dụng và môi trường bảo quản của các hộ đảm bảo đủ điều kiện trước khi đưa ra thị trường. Nhờ đó, thu nhập của các hộ cũng cao hơn từ 20 - 30% so với trước, trung bình mỗi hộ thu về từ 20 - 50 triệu đồng/năm”. Cùng với sản phẩm tương Dục Mỹ, năm 2017, huyện Hạ Hòa cũng bắt tay tạo lập, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chè xanh Yên Kỳ ở xã Yên Kỳ. Toàn xã, hiện có 800 hộ trồng chè với diện tích khoảng 600ha. Người dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao nhưng trước đây sản phẩm chè vẫn “vắng bóng” trên thị trường do chưa có nhãn hiệu sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ ở địa bàn trong huyện. Ông Nguyễn Kim Ngọc - Chủ tịch UBND xã Yên Kỳ cho biết: “Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chè xanh Yên Kỳ được thực hiện khiến bà con ai cũng vui mừng phấn khởi với hy vọng mở ra một hướng đi mới cho sản phẩm chè xanh của địa phương. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, người dân đã chú trọng tới quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm”.
Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng và sự yên tâm cho người sản xuất, bởi khi sản phẩm có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công khai trên diện rộng sẽ dễ bán và có giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không có nhãn. Hơn nữa, hiện nay, người tiêu dùng thường chọn mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là đối với hàng thực phẩm vì liên quan đến sức khỏe. Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Hòa cho biết: “Chè xanh Yên Kỳ là sản phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện được công nhận nhãn hiệu tập thể, đây là động lực, tiền đề để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển thêm các sản phẩm chủ lực gắn với thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, để nhãn hiệu chè xanh Yên Kỳ phát triển có hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến chè; mở rộng quy mô, diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao ý thức của các thành viên trong việc thực hiện, chấp hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm, góp phần giữ vững thương hiệu chè”. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Hiện, toàn tỉnh có trên 20 sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh Chùa Tà, chè xanh Phú Thịnh, lúa nếp Gà Gáy Mỹ Lung, sơn đỏ Tam Nông, chè xanh Yên Kỳ, tương Dục Mỹ, cá chép đỏ Thủy Trầm… Một số dự án đang trong quá trình tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể như: Nón lá Sai Nga, Cá thính Tử Đà, chuối Bản Nguyên… Song số lượng các sản phẩm nông nghiệp được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa nhiều, bởi quy mô sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm thì “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu cũng là vấn đề nan giải. Ông Hoàng Ngọc Châu - Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở khoa học và Công nghệ cho biết: “Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó, nhưng để phát huy được giá trị của thương hiệu, tạo sản phẩm mang tính đồng đều đòi hỏi các làng nghề, HTX cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất kinh doanh để khai thác có hiệu quả sản phẩm đã được bảo hộ. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn”. Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp được xem là công cụ đắc lực giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trên thị trường, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.