Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Khẳng định danh tiếng hoa đào Lạng SơnTin khácChương trình 'Tiếp sức mùa thi': Nhân lên những hành động đẹpSẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Vẻ đẹp của cây hoa đào Lạng Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng với những người chưa có kinh nghiệm chơi loại hoa này thì rất khó phân biệt với cây hoa đào được trồng tại những địa phương khác. Do đó, xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) 'Hoa đào Lạng Sơn' không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn mà còn nâng cao giá trị của cây hoa đào Lạng Sơn.
Lạng Sơn có khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng, nhiệt độ trung bình từ 21 đến 22oC, điều kiệu khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây đào phát triển. Đặc biệt, nhiệt độ mùa đông thấp là yếu tố cần thiết để cây hoa đào đâm chồi, ra hoa. Chính vì vậy, Lạng Sơn được xem như xứ sở của các giống hoa đào đẹp như: đào bạch, đào bích, đào phai, đào chuông, đào thất thốn…
Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 98 ha cây hoa đào với 150.000 cây các loại, tập trung chủ yếu tại các huyện, thành phố: Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn. Cây hoa đào Lạng Sơn được tiêu thụ tại thị trường: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh… và được người chơi hoa đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt, màu hoa đẹp, nhiều sắc thái, lâu tàn, cánh hoa dày; hình dáng cây, màu sắc vỏ cây độc đáo.
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Sản phẩm hoa đào trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay chưa có thương hiệu nên thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, điều này khiến người tiêu dùng khó nhận dạng và phân biệt. Từ đó, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý sản xuất chưa hiệu quả do diện tích trồng đào nhỏ lẻ, không tập trung nên công tác kiểm tra, giám sát còn gặp nhiều khó khăn. Do chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm giữa các vùng trồng, các hộ trồng chưa có sự đồng đều. Một bộ phận đã chú trọng đến việc tạo dáng, thế, thúc hoa nở đúng thời điểm nhưng đa số còn để cây phát triển và ra hoa một cách tự nhiên nên độ bền hoa, tỷ lệ chồi, thời điểm ra hoa chưa đảm bảo. Quan trọng nhất là giá thành sản phẩm còn bấp bênh, hoạt động kinh doanh chủ yếu là mua bán tại chỗ và phụ thuộc nhiều vào thương lái. Vì vậy, những cây có chất lượng cao chưa được người chơi hoa có kinh nghiệm biết nên người mua trả giá thấp hơn so với giá trị của cây… dẫn đến chưa nâng tầm được giá trị, danh tiếng của hoa đào Lạng Sơn nên rất cần được xây dựng thương hiệu.
Vì lý do trên, từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2022, nhóm nghiên cứu do bà Trình Thị Luyến làm trưởng nhóm triển khai đề tài “Xây dựng và phát triển NHTT Hoa đào Lạng Sơn”. Trong 1 năm triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh cây hoa đào trên địa bàn tỉnh; quy hoạch vùng trồng đào gồm tất cả các huyện, thành phố; tổ chức 5 hội thảo đánh giá chất lượng hoa đào tại: Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn. Cùng đó, tổ chức hội thảo lựa chọn mẫu NHTT “Hoa đào Lạng Sơn”, mẫu nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm và đơn vị thực hiện; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn… Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây “Hoa đào Lạng Sơn”; xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý NHTT gồm 2 quy chế, 2 quy trình; hoàn thiện hồ sơ đăng ký NHTT “Hoa đào Lạng Sơn” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) gồm mẫu nhãn hiệu, bản đồ, quy chế, quy trình, văn bản cho phép sử dụng địa danh “Lạng Sơn” để đăng ký NHTT và phê duyệt bản đồ địa lý tương ứng với NHTT…
Ông Hoàng Văn Tới, thôn Hoàng Sơn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vườn đào của gia đình tôi giáp Quốc lộ 1A nên mỗi dịp tết đến, các lái xe đường dài rất thích. Họ thường đặt mua về tận miền Trung, miền Nam để bày tết. Nếu xây dựng được nhãn hiệu, sản phẩm có tem, địa chỉ liên hệ thì chắc chắn hoa đào nhà tôi cũng sẽ có nhiều người biết đến và bán được nhiều hơn.
Đối với sản phẩm cây hoa đào, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng công nhận NHTT “Hoa đào Cam Giá” cho làng nghề trồng cây hoa đào tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên. Do đó, việc xây dựng NHTT đối với cây hoa đào của tỉnh Lạng Sơn là yêu cầu cấp thiết, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, lựa chọn khi có nhu cầu; giúp tăng giá trị, danh tiếng cây hoa đào và giúp người trồng đào Xứ Lạng nâng cao mức thu nhập, có cuộc sống ngày càng ổn định từ việc trồng đào