Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho cây ăn quả
Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cây ăn quả để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng.
Sản phẩm Cam Vân Du (Thạch Thành) được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm.
Trước đây, bưởi thanh đường Yên Ninh, xã Yên Ninh (Yên Định) chỉ đơn thuần là loại cây ăn quả trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh trong các khu dân cư, không được quy hoạch vùng, thu hoạch theo mùa vụ và bán cho thương lái nên giá cả không ổn định. Để nâng cao giá trị sản xuất cho bưởi thanh đường trên địa bàn, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Đồng thời, vạch ra chiến lược, lộ trình cụ thể, như đăng ký tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, nhãn hiệu tập thể...
Đến nay, xã Yên Ninh đã phát triển được gần 80 ha bưởi thanh đường, sản lượng đạt khoảng 1.250 tấn mỗi năm. Trong đó, có gần 20 ha đã được cấp giấy chứng nhận và đang được chuyển giao kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, bưởi thanh đường Yên Ninh đã có logo, được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được khách hàng ưa chuộng. Theo người dân trồng bưởi ở xã Yên Ninh, giá trị sản phẩm bưởi thanh đường được nâng lên 25-30% nhờ gắn sao OCOP, trung bình mỗi ha bưởi cho lợi nhuận từ 400-600 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn có diện tích cây ăn quả lớn, tuyên truyền giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, huyện hướng dẫn các tổ chức, HTX xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả và các cây trồng chủ lực của huyện gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để giới thiệu về các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.
Hiện nay diện tích trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 23.240 ha, tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành... với sản lượng đạt 304.828 tấn/năm. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 243 ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt khoảng 3% so với diện tích cây ăn quả tập trung và đạt hơn 1% so với tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Phần lớn diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP chủ yếu là cam, bưởi của các trang trại, HTX và doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Ngoài ra, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh chưa được cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm gây khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Vì vậy, sản phẩm cây ăn quả ở các địa phương chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh thông qua trao đổi, mua bán tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại... Những năm gần đây, một số trang trại, doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả quy mô lớn ở các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân, Yên Định... đã từng bước thâm nhập được vào thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thông qua hệ thống siêu thị và chợ đầu mối, nhưng sản lượng tiêu thụ còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh xác định việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu là một trong những giải pháp để phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững. Với sự tích cực của các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đã xây dựng sản phẩm bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) được cấp chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn), cam Xuân Thành (Thọ Xuân), cam Như Xuân, ổi Như Xuân được cấp nhãn hiệu tập thể và cam Vân Du (Thạch Thành) được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Hiện huyện Thọ Xuân đang tích cực phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi Bắc Lương. Cùng với đó, các HTX, doanh nghiệp ở các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Thạch Thành và Yên Định đã xây dựng được 12 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nhằm giữ vững nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cây ăn quả đã được cấp, ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm cây ăn quả để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm đã được cấp. Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm cây ăn quả để phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Các địa phương cũng quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp và người dân trong vùng sản xuất các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cây ăn quả để từng bước nhân rộng. Đối với những sản phẩm cây ăn quả được cấp nhãn hiệu, người dân tuân thủ sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được quy định để đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nâng cao hiệu quả sản xuất.