Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng khu trung tâm các xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay không còn khoảng cách xa với các khu đô thị ở trung tâm các huyện. Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày, những tuyến đường liên xã, nội bản được bê tông hóa, phong quang sạch đẹp; những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, ẩn hiện bên vườn cây trái, bản làng trù phú, ấm no...
Chúng tôi tới bản Panh, xã Chiềng Xôm (Thành phố) đúng dịp Chi hội phụ nữ bản đang tổ chức dọn vệ sinh môi trường và trồng hoa ven đường nội bản. Dừng tay tưới luống hoa mới trồng, bà Lường Thúy Nga phấn khởi nói: Đây là công việc định kỳ vào sáng thứ bảy hàng tuần của chị, em phụ nữ bản. Từ ngày thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt; các tuyến đường được bê tông sạch đẹp, giúp bà con đi lại thuận tiện; các công trình phục vụ nhân dân cũng được đầu tư xây dựng nhiều hơn như: Trường học, trạm y tế, chợ, bến xe... đã giúp chúng tôi hiểu rõ về mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ nhân dân. Vì vậy, bà con ở bản sẵn sàng góp công, góp của, tích cực tham gia hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La, mới thấy hết sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với 188 xã ở 12 huyện, thành phố tham gia xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm thấp. Năm 2011, có 3 xã đạt 6 tiêu chí, 167 xã dưới 5 tiêu chí và 18 xã chưa đạt tiêu chí nào. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 1,61 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí hết sức khó khăn như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập... Sản xuất nông nghiệp lúc đó còn manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn chiếm tới 40,15%. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lúc đó thực sự khó khăn và là thử thách lớn.
Vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn, tỉnh ta đã huy động sức dân tham gia đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đời sống của người dân khu vực nông thôn cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 36 triệu đồng/năm (tăng 23 triệu đồng/người/năm so với thu nhập bình quân đầu người ở các xã năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra; huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai được công nhận thoát nghèo...
Tính từ năm 2011 đến năm 2020, tỉnh ta đã huy động hơn 30.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 1.600 tỷ đồng; ngân sách địa phương và vốn lồng ghép hơn 9.600 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 14.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã gần 200 tỷ đồng và cộng đồng dân cư đóng góp hơn 4.600 tỷ đồng đầu tư bê tông hóa gần 10.000 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.500 km, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại trao đổi hàng hóa thuận lợi; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 1.266 phòng học, 85 phòng học bộ môn, 16 nhà hiệu bộ, 1.136 phòng học cơ sở bán trú, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 254 phòng, lớp học, nâng tổng số trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn Quốc gia lên gần 300 trường học các cấp; đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới gần 100 công trình trạm y tế xã, chợ nông thôn; nâng cấp, sửa chữa và xây mới 288 công trình thủy lợi, hơn 1.400 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh lên hơn 3.000 km... Các công trình hoàn thành đã phục vụ tốt sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Năm 2019, tỉnh Sơn La có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, vượt 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới so mục tiêu Đại hội; thành phố Sơn La là địa phương đầu tiên của tỉnh có 5/5 xã (100% xã) về đích nông thôn mới. Năm 2020, tỉnh Sơn La có thêm 8 xã công bố đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 49 xã; bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng bình quân 11,89 tiêu chí/xã so với năm 2011; hiện không có xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Chiềng Xôm (Thành phố), Chiềng Ban (Mai Sơn) và Mường Sang (Mộc Châu).
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La, cho biết: Qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, ai cũng hiểu mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phục vụ đời sống của nhân dân, vì vậy bà con tích cực hưởng ứng phong trào. Nổi bật đến nay, nhân dân các bản đã tự giác đăng ký hỗ trợ xi măng để tham gia góp công, góp của, hiến đất đổ bê tông thêm các tuyến đường liên bản, nội bản, xây trường học, trạm y tế, nhà văn hóa bản...
Chủ trương xuyên suốt của Chính phủ là “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tích cực tham gia của người dân với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.