Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất hiệu quả tại xã Phong Lộc
Về thăm khu trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Văn Quyền, thôn Kỳ Sơn, xã Phong Lộc (Hậu Lộc), chúng tôi khá mãn nhãn với những hàng cây xanh mướt mát, cành trĩu quả tràn đầy sức sống. Ông Quyền cho biết, năm 2017, gia đình đã dồn tâm sức và nguồn vốn đầu tư chuyển đổi 6,5 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình trang trại trồng cây ăn quả, ngô ngọt, ớt... kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả như bưởi da xanh, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, ổi, bơ... đã cho thu hoạch.
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Phong Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế.
Ngoài thu hoạch trái cây, sản phẩm từ rau màu, hàng năm ông xuất bán các sản phẩm chăn nuôi như gia cầm, bò thịt và nuôi bò sinh sản đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng... Sự nỗ lực vượt qua khó khăn và mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình sản xuất trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình và tạo thêm việc làm cho một số người dân địa phương.
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Lê Văn Quyền là thành quả của quá trình triển khai thực hiện phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Phong Lộc. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cùng với sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đã tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho Nhân dân về các chủ trương, cơ chế chính sách kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Tiếp thu có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho Nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hình thức hoạt động trong sản xuất và kinh doanh. Phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo đã phát triển đều khắp trên địa bàn xã và ở tất cả các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, nổi bật là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, triển khai cơ giới hóa đồng bộ trong gieo trồng gắn với quy hoạch thâm canh cánh đồng mẫu lớn. Xã đã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, những diện tích đất lúa kém hiệu quả được xã quy hoạch cụm chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Từ năm 2015 đến tháng 4-2023, xã Phong Lộc đã tích tụ được 16 ha đất sản xuất tập trung; chuyển đổi hơn 10 ha đất lúa đồng sâu trũng, kém hiệu quả sang trang trại tổng hợp, cá - lúa kết hợp. Toàn xã có 27 trang trại, gia trại đã và đang có hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình các ông: Mai Xuân Khương, Trương Văn Đại, Lê Văn Quyền... Ngoài ra, xã Phong Lộc đã phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình sản xuất 59 ha lúa chất lượng cao tại các thôn Phù Lạc, Kỳ Sơn, Lộc Động, liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX nông nghiệp Thành Lộc. Mô hình 16 ha lúa, cây màu hàng hóa của hộ ông Nguyễn Văn Hùng, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm... cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Bên cạnh phát triển sản xuất, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện tốt nhất về mặt bằng sản xuất, mở rộng hệ thống thủy lợi, giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ các mô hình sản xuất... để các hộ tham gia phát triển kinh tế. Đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa thôn... đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư được nâng cấp, sửa chữa phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa, công sở xã, khu thể thao... được quan tâm đầu tư khang trang. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM của xã giai đoạn 2011-2022 đạt hơn 281 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 6,5 tỷ đồng; vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện 29,5 tỷ đồng; vốn ngân sách xã hơn 37,1 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại do Nhân dân đóng góp và tự đầu tư. Với tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,1%.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Ban chỉ đạo XDNTM xã Phong Lộc, khẳng định: Phát triển sản xuất trong XDNTM đã tạo ra được diện mạo nông thôn có nhiều tiến bộ và phát triển về mọi mặt. Cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu của cộng đồng dân cư được xây dựng khang trang, bền vững, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống ngày càng nâng cao của người dân. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Đến tháng 4-2023, xã Phong Lộc đã đạt 19/19 tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã NTM vào quý II-2023. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chỉ đạo, phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực, tranh thủ thu hút nguồn ngoại lực cho chương trình XDNTM nâng cao. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, động viên tinh thần, huy động sức mạnh của toàn dân trong XDNTM nâng cao. Trọng tâm là khai thác tiềm năng, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục tích tụ ruộng đất, dồn đổi ruộng, sắp xếp bố trí lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất. Trước mắt, năm 2023 xã Phong Lộc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3,8%,... Chăm lo phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự luôn giữ vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.