Xây dựng nông thôn mới miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền trung (Kỳ 1)

Trong 10 năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các tỉnh miền trung đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn từ đồng bằng đến miền núi đã có những đổi thay rõ nét, đời sống người dân từng bước được cải thiện, hàng trăm nghìn hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Xã A Nông gắn sắp xếp dân cư với xây dựng NTM.

Xã A Nông gắn sắp xếp dân cư với xây dựng NTM.

Trong 10 năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các tỉnh miền trung đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn từ đồng bằng đến miền núi đã có những đổi thay rõ nét, đời sống người dân từng bước được cải thiện, hàng trăm nghìn hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bài 1: Bộ mặt mới vùng cao

Thời gian qua, các tỉnh miền trung luôn chú trọng đến công tác xây dựng NTM ở miền núi, vùng đồng bào DTTS, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng, góp phần thay đổi bộ mặt miền núi. Thế nhưng, hiện phong trào xây dựng NTM đang có xu hướng chững lại do phần lớn các xã có tiềm lực đã "về đích", những xã còn lại chủ yếu thuộc diện khó khăn, nằm ở miền núi, vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống…

Những kết quả bước đầu

Trong những ngày cuối tháng 8, có dịp trở lại các xã vùng biên giới Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này so với khi mới tách huyện năm 2003. Hệ thống kết cấu hạ tầng như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, bước đầu tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Chúng tôi nhớ cách đây hơn 5 năm, tuyến đường lên các xã sát biên giới Việt - Lào thường bị tắc vào mùa mưa, nhưng đến nay, các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận lợi; nhà cửa đồng bào ở nhiều nơi được sắp xếp, bố trí vào các khu tái định cư tập trung cho nên rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.

Chúng tôi ghé thăm xã A Nông, xã đầu tiên ở miền núi Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn xã NTM. Chủ tịch UBND xã A Nông Yđêl Bốn cho biết, năm 2010, khi được tỉnh chọn xây dựng NTM, điều kiện của xã còn rất khó khăn. Toàn xã có hơn 820 khẩu và có đến hơn 99% số dân là người dân tộc Cơ Tu; tỷ lệ hộ nghèo cao cho nên khi triển khai NTM cũng gặp nhiều lúng túng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cấp trên, sự nỗ lực của cấp ủy và chính quyền, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, qua hơn bốn năm phát động, năm 2014, A Nông là xã miền núi đầu tiên và là một trong 10 xã của tỉnh Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây dựng khang trang; đời sống người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người đạt 23,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49,4% (năm 2010) xuống còn 5,7% (năm 2014), đời sống văn hóa được bảo tồn và phát triển. Trong quá trình xây dựng NTM, người dân hiến hơn 7,5 ha đất, trị giá hơn 15 tỷ đồng và hơn 5.000 ngày công để di dời nhà cửa, làm đường bê-tông, kênh mương thủy lợi.

Tại tỉnh Quảng Trị, việc triển khai xây dựng NTM vùng miền núi đã sớm được Ðảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm. Mục tiêu chung của tỉnh hướng tới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thông qua việc từng bước giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân thông qua các mô hình phát triển kinh tế ở các địa bàn khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, nhất là đồng bào các DTTS tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội. Tân Hợp là xã đầu tiên của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt chuẩn NTM. Bây giờ, nhìn cảnh làng quê xanh mướt, trù phú, đời sống người dân có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ai cũng ngưỡng mộ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Tân Hợp đã huy động các nguồn lực hơn 40 tỷ đồng; vận động được hơn 450 hộ dân tự nguyện hiến gần 10.000 m2 đất, với tổng giá trị hơn bốn tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi. Trong quá trình xây dựng NTM, Tân Hợp đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của địa phương như thanh long ruột đỏ, hoa, gừng, nghệ, rau sạch... để không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 38 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa bắt đầu chín vàng, Trưởng thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) Trần Ðức Lưu nói: "Cánh đồng khá bằng phẳng này cách đây vài tháng có địa hình bậc thang, ô thửa manh mún. Gia đình tôi có tới 13 thửa ruộng, cách xa nhau cho nên khó canh tác và mất công sức. Bây giờ dồn lại chỉ còn ba thửa rộng. Hệ thống giao thông nội đồng thẳng tắp, đủ rộng cho những chiếc xe ô-tô lưu thông. Việc cơ giới hóa trên đồng ruộng bây giờ rất thuận lợi". Không riêng thôn Uyên Phong, nhiều thôn của xã Châu Hóa đều thực hiện dồn diền đổi thửa, tạo nên những cánh đồng rộng lớn để áp dụng cơ giới hóa.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Thanh Hường cho biết, diện tích đất nông nghiệp toàn xã gần 220 ha, bình quân mỗi hộ có năm thửa. Với sự đồng thuận cao của người dân, xã huy động nhiều phương tiện, xe máy để san gạt mặt bằng, phá các bờ thửa, bờ vùng nhằm tăng diện tích. Người dân trong xã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, kinh phí để cải tạo lại đồng ruộng. Ðây là việc làm nhằm tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, hiệu quả; qua đó nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Ðời sống người dân xã A Nông, huyện Tây Giang (Quảng Nam) được cải thiện nhờ cây cao-su.

Ðời sống người dân xã A Nông, huyện Tây Giang (Quảng Nam) được cải thiện nhờ cây cao-su.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho rằng, việc xây dựng NTM vùng miền núi Quảng Trị, nhất là các thôn, bản vùng sâu xa còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Bình quân tiêu chí tại các huyện miền núi còn khá thấp, huyện Hướng Hóa mới đạt 11,35 tiêu chí/xã, huyện Ða Krông chưa có xã đạt chuẩn, mới đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã. Tình trạng người lao động thiếu việc làm còn nhiều, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường... vẫn là những thách thức lớn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hằng năm cho miền núi không nhiều, trong khi nhu cầu được đầu tư để phát triển trên địa bàn còn quá lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, kinh phí trung ương phân bổ cho một số chương trình, chính sách còn hạn chế, một số chính sách đã ban hành nhưng nguồn vốn lại thiếu; định mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế… ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng NTM. Mặt khác, năng lực của cán bộ cơ sở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS công tác trong các cơ quan hành chính còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa đồng đều. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS chưa được đồng bộ.

Cái khó nhất hiện nay trong xây dựng NTM của tỉnh Quảng Bình là số xã vùng khó khăn, miền núi chưa đạt chuẩn NTM còn rất nhiều, trong khi đó nguồn lực thiếu và luôn đối mặt với thiên tai khốc liệt. Hiện nhiều xã đồng bằng đã chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, thì một số xã ở miền núi có số tiêu chí giảm dần và đạt rất thấp. Huyện miền núi Minh Hóa chỉ đạt bình quân 11,5 tiêu chí/xã, thấp nhất tỉnh. Cả huyện chỉ mới có xã Quy Hóa đạt chuẩn NTM giai đoạn I, nhưng hiện nay qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, xã chỉ đạt 13 tiêu chí. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Quảng Bình Hoàng Tiến Cường, những xã có lợi thế thì đã hoàn thành xây dựng NTM các năm trước, số xã còn lại đều là những địa phương khó khăn, tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí cần kinh phí đầu tư lớn, trong khi tỉnh nghèo, nguồn lực của Nhà nước, người dân còn hạn chế.

Cũng như các tỉnh ở khu vực miền trung, địa hình 64 xã miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Bình phần lớn là vùng đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi hệ thống khe suối dày đặc và các thung lũng nhỏ, hẹp. Dân cư sinh sống phân tán, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển. Ðây chính là những rào cản lớn trong lộ trình xây dựng NTM, nhất là với tiêu chí giao thông nông thôn. Chẳng hạn, Thượng Trạch và Tân Trạch là hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), với diện tích tự nhiên hơn 110.000 ha (chiếm 51% diện tích toàn huyện), có hơn 54,4 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Ngoại trừ con đường 20 Quyết thắng xuyên qua rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng và hai xã biên giới đã được nhựa hóa thì hệ thống giao thông nơi đây hết sức khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ chia sẻ, gần đây bộ mặt bản làng ở hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM vô cùng nan giải, bởi nguồn thu từ ngân sách địa phương và nguồn lực trong cộng đồng hầu như không có, toàn bộ đều dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Ðến giữa năm 2019, hai xã mới đạt năm tiêu chí…

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Trung cho biết, so với khu vực đồng bằng, tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM, cũng như kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM ở miền núi vẫn còn thấp. Hiện tại bình quân tỷ lệ xã đạt chuẩn ở khu vực đồng bằng là 66,7%; trong khi đó miền núi chỉ đạt 13,5%, riêng sáu huyện miền núi cao chỉ đạt 7,8%; có đến ba huyện miền núi (Nam Giang, Phước Sơn và Nam Trà My) chưa có xã đạt chuẩn NTM. Hiện bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn ở các xã đồng bằng 16,9 tiêu chí/xã; trong khi đó ở các xã miền núi chỉ đạt 11,16 tiêu chí/xã (riêng sáu huyện miền núi cao đạt bình quân 9,78 tiêu chí/xã); còn đến 26 xã đạt dưới tám tiêu chí, đều nằm ở các huyện miền núi.

Mặt khác, do địa hình bị chia cắt, cơ sở hạ tầng thiết yếu tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và dân sinh; hệ thống giao thông nông thôn khu vực các huyện miền núi phát triển chậm, nhất là tại các địa phương ở vùng núi cao; tỷ lệ đường đất, đường mòn còn rất lớn. Trên địa bàn chín huyện miền núi có 2.091 km đường giao thông nông thôn, trong đó đã có mặt đường bê-tông xi-măng và nhựa hơn 1.050 km, còn lại 50% chưa có mặt đường. Hơn nữa, trình độ dân trí của người dân tại địa bàn các xã còn thấp, năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy mô sản xuất tại các xã còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng một số cây trồng, con vật nuôi chưa cao. Hiện tại sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp còn phổ biến; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế... Ðây là những lực cản không nhỏ trong tiến trình xây dựng NTM ở miền núi Quảng Nam.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NHÓM PVTT MIỀN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41375002-xay-dung-nong-thon-moi-mien-nui-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-mien-trung-ky-1.html