Xây dựng nông thôn mới: Người dân Nam Sách hưởng thành quả

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Sách rất phấn khởi khi huyện nhà chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau bao vất vả, phấn đấu, người dân đã được hưởng 'quả ngọt'.

Cuộc "cách mạng" toàn diện

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được ví như một cuộc "cách mạng" toàn diện, giúp cho diện mạo của quê hương Nam Sách có những đổi thay to lớn so với trước đây. Những con đường nhỏ hẹp, người dân đi lại khó khăn nay đã được thay bằng những tuyến đường trải bê tông rộng rãi. Nhà cao tầng mọc san sát, nhiều ngôi trường khang trang.

Ông Nguyễn Năng Hưởng ở thôn Vạn Tải Đông, xã Hồng Phong cho biết: "Chưa bao giờ tôi thấy quê mình lại thay đổi nhiều như những năm gần đây. Người dân đã được hưởng những thành quả mà phong trào xây dựng NTM mang lại. Nếu không có phong trào xây dựng NTM, chắc chắn quê tôi không có được diện mạo như hôm nay".

Kết cấu hạ tầng của xã Nam Hồng (Nam Sách) được xây dựng khá hoàn thiện

Kết cấu hạ tầng của xã Nam Hồng (Nam Sách) được xây dựng khá hoàn thiện

Trong bức tranh NTM của huyện Nam Sách còn có những cánh đồng với ruộng lúa, ruộng rau được quy hoạch, tổ chức sản xuất bài bản, quanh năm xanh tốt đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Do được phù sa các sông Kinh Thầy, Thái Bình bồi đắp, chất đất nơi đây đặc biệt phù hợp với cây cà rốt nên người dân ở nhiều xã trong huyện đã phát triển cây này thành cây trồng chủ lực. Huyện đã xây dựng được vùng chuyên canh rau màu rộng trên 500 ha; 21.315 m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như dưa chuột baby, dưa vàng, hoa các loại... Phát huy lợi thế sông nước, huyện đang có khoảng 2.300 lồng nuôi cá, tập trung ở các xã Thái Tân, Hiệp Cát, Nam Tân... Giá trị kinh tế từ nuôi cá lồng cao hơn nhiều so với nuôi kiểu truyền thống, nhờ đó thu nhập của người dân tăng đáng kể.

Bên cạnh nông nghiệp, Nam Sách đã phát triển được cụm công nghiệp An Đồng và đang quy hoạch khu công nghiệp An Bình - Quốc Tuấn. Các làng nghề làm hương, gốm, sấy hành tỏi ở các xã Quốc Tuấn, Nam Trung, Thái Tân... đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại thu nhập khá cho người dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sau 9 năm xây dựng, Nam Sách đã hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM, 100% số xã đã được công nhận NTM. Ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách phấn khởi cho biết: "Đoàn kiểm tra của Trung ương vừa về làm việc và đánh giá Nam Sách đã hoàn thành xây dựng huyện NTM. Chúng tôi đang tập trung hoàn thiện hồ sơ theo quy định. So với kế hoạch, huyện về đích sớm hơn 1 năm".

Có được kết quả như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân Nam Sách đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, bình quân mỗi xã trong huyện mới đạt 11 tiêu chí, kết cấu hạ tầng ở một số nơi chắp vá, xuống cấp. Một bộ phận cán bộ chưa thực sự tin tưởng vào phong trào xây dựng NTM, chưa tích cực tìm kiếm các nguồn lực mà vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Xác định xây dựng NTM thành công sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân nên các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện tới xã ở Nam Sách đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào này. Hằng năm, huyện yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí để chủ động đăng ký hoàn thành NTM ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, huyện tổ chức đoàn kiểm tra, thẩm định từng tiêu chí đối với các xã. Những xã nào có khả năng hoàn thành thì huyện mới đưa vào danh sách đăng ký với tỉnh. Trong quá trình thực hiện, Nam Sách thường xuyên yêu cầu các địa phương báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Lãnh đạo huyện xuống cơ sở nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có những chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Do hầu hết các xã đều có khó khăn nhất định về vốn nên Nam Sách đã huy động mọi nguồn lực để trợ giúp. Những năm qua, huyện đã hỗ trợ các thôn từ 100-300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, 30% kinh phí giải phóng mặt bằng xây dựng sân vận động, 800 triệu đồng làm nghĩa trang liệt sĩ, 40% kinh phí mở rộng đường xã và liên xã, 500 triệu đồng/bãi rác tập trung... Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ mỗi xã đạt chuẩn NTM 500 triệu đồng.

Là một trong những xã đầu tiên hoàn thành NTM dù không đăng ký với huyện và tỉnh, xã Nam Hồng đã đúc rút kinh nghiệm là phải nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ từ xã đến các thôn. "Nếu không huy động được sức dân vào thực hiện một số tiêu chí như giao thông, sản xuất, an ninh trật tự... và không có quyết tâm của đội ngũ cán bộ thôn và xã thì chắc chắn chúng tôi sẽ khó về đích NTM", ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết.

Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, thời gian tới, phát huy tinh thần đoàn kết của quê hương giàu truyền thống cách mạng, huyện Nam Sách tiếp tục tuyên truyền, vận động các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nâng cao đời sống người dân.

NGỌC THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/xay-dung-nong-thon-moi-nguoi-dan-nam-sach-huong-thanh-qua-135416