Xây dựng nông thôn mới ở các xã khu vực II, III: Bộn bề gian khó
Các xã khu vực II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được áp dụng bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) của khu vực Trung du miền núi phía bắc để xét đạt chuẩn NTM. Việc điều chỉnh tại Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 nhằm khuyến khích các xã khó khăn nỗ lực để về đích NTM. Tuy nhiên, các xã khu vực II, III của Quảng Ngãi còn bộn bề gian khó.
Quảng Ngãi hiện có 6 xã thuộc khu vực I, 3 xã khu vực II và 52 xã khu vực III.
Nhiều tiêu chí khó đạt
Hiện nay, hành trình về đích NTM đối với các xã khu vực II, III của Quảng Ngãi khá gian nan, dù một số tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III vùng đồng bào DTTS và miền núi thấp hơn mức bình quân chung cả nước (theo Quyết định 211). Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 13% (thay vì dưới 5% như cũ), thu nhập bình quân tối thiểu đạt 36 triệu đồng/người/năm (thay vì từ 44 triệu đồng/người/năm trở lên như cũ)...
Xã Trà Thủy (Trà Bồng) đăng ký về đích NTM trong năm 2024 nhưng đến thời điểm này, có đến 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều và tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Tự cho biết, với nhóm tiêu chí hạ tầng, chỉ cần bố trí đủ nguồn lực (khoảng 47 tỷ đồng) sẽ thực hiện hoàn thành. Nhưng với nhóm tiêu chí thu nhập, hộ nghèo thì rất khó, nếu giảm nhanh tỷ lệ nghèo trong 1 hoặc 2 năm chỉ để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, thì nguy cơ cao sẽ tái nghèo “hậu” NTM.
Xã Sơn Dung (Sơn Tây) cũng nỗ lực về đích NTM vào năm 2025, nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, trong khi thu nhập chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hơn 28%. Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Nguyễn Văn Trí cho biết, điều kiện sản xuất khó khăn, người dân sống dựa vào nương rẫy lại canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, vì thế không thể nâng cao thu nhập và giảm nghèo trong thời gian ngắn. Vậy nên từ nay đến năm 2025, rất khó để tăng thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm lên mức 36 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28% về dưới 13%.
Cần có lộ trình
Theo chính quyền các địa phương, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS là cần thiết. Bởi, điều này vừa giúp các xã khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi rút ngắn hành trình về đích NTM, vừa thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, với đặc thù địa hình và điều kiện sản xuất khắc nghiệt, nên thu nhập của các xã khu vực II, III khá thấp, chỉ từ 26 - 30 triệu đồng/người/năm; trong khi tỷ lệ hộ nghèo rất cao, từ 20% trở lên. Thậm chí có xã, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 42%. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo phải giảm còn dưới 13% đang là gánh nặng đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trên lộ trình về đích NTM, nhất là đối với các xã khu vực II, III. Bởi vốn dĩ các xã ở khu vực II, III có tỷ lệ nghèo rất cao, là “lõi nghèo” của huyện, nên không thể trong 1 - 2 năm là có thể giảm xuống dưới 13%. Để giảm được từ 2 - 3% hộ nghèo mỗi năm đã là sự nỗ lực lớn của chính quyền và người dân.
Đồng quan điểm này, chính quyền huyện Sơn Tây cũng băn khoăn khi trong vòng 2 năm (2024 - 2025), xã Sơn Dung và Sơn Mùa vừa phải huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; vừa phải giảm từ 15 -16% hộ nghèo, để đảm bảo lộ trình về đích NTM vào năm 2025. Hơn nữa, sau khi đã đạt chuẩn NTM, địa phương sẽ không được hưởng chính sách đối với xã khu vực II, III; trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo “hậu” NTM. Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, việc xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III là cần thiết nhưng phải có lộ trình và chính sách phù hợp, gắn với ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng. Về lâu dài, cần ban hành bộ tiêu chí NTM mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và phù hợp với thực tiễn, quá trình thực hiện cần điều chỉnh và bổ sung kịp thời đảm bảo việc thực hiện chương trình hiệu quả, thực chất.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đề nghị tỉnh kiến nghị trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng NTM. Như Thông tư số 53/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 12/8/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay cơ quan liên quan vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, chi các nội dung đặc thù... đối với đối tượng sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Hay bộ tiêu chí xã NTM quy định tỷ lệ khám, chữa bệnh điện tử phải đạt từ 50% trở lên, tuy nhiên phần do điều kiện cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin cấp xã chưa đồng bộ, phần vì chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử. Trong khi đó, Bộ Y tế đang xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh từ xa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Điều này khiến các địa phương lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, đánh giá tiêu chí NTM.
Bài, ảnh: MỸ HOA