Xây dựng nông thôn mới ở huyện Sóc Sơn: Hiệu quả từ cơ chế, chính sách hỗ trợ
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Sóc Sơn đã có 20/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã còn lại cơ bản đạt từ 17-18 tiêu chí. Cùng với đó, trên 90% số đường trục xã, thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa; 69,3% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đạt 43,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,8%...
Trong xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn là huyện đi đầu toàn Thành phố về công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, chất lượng cao.
Đến nay, huyện đã xây dựng được 7 thương hiệu, hình thành 9 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn, có được kết quả trên đó là nhờ việc áp dụng hiệu quả từ các chính sách.
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, trước khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Sóc Sơn từng là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của Hà Nội. Diện tích đất nông nghiệp lên tới 13.559ha, với 47.293 hộ trực tiếp sản xuất, nhưng giá trị canh tác năm 2010 mới đạt 86 triệu đồng/ha/năm. Kéo theo đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ dừng ở 18,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn tới 15%.
Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, Hội đồng Nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Trong đó có thể kể tới một số chính sách như: Nghị quyết số 09/2011/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện dồn điền đổi thửa; Nghị quyết số 27/2013/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đưa máy cấy vào sản xuất nông nghiệp; Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp”…
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu tập thể. Thúc đẩy liên kết chuỗi. Khuyến khích người nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Triển khai 3.300 máy làm đất, máy cấy, máy gặt các loại vào canh tác nông nghiệp...
Năm 2010, trước khi triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Sóc Sơn chỉ đạt 86 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, con số này đã cao gấp 3,2 lần, lên mức 275 triệu đồng/ha/năm. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã hình thành được 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện sau khi được xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý… đã nâng cao được giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân từ 1,5 – 2 lần. Cùng với đó thu nhập bình quân của người dân tăng lên và đạt 43,3 triệu đồng/người/năm. Bộ mặt nông thôn huyện Sóc Sơn thực sự đổi thay.
Để có được những kết quả trên, theo ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, đó là nhờ việc áp dụng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như của huyện…Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông thôn mới của Sóc Sơn.
Đây cũng là cơ sở giúp địa phương từng bước hoàn thành, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sớm đưa huyện Sóc Sơn hoàn thành kế hoạch huyện nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.