Xây dựng nông thôn mới ở Lục Ngạn: Bước chuyển từ đổi mới cách làm
Những năm gần đây, nhờ có nhiều đổi mới trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo làng quê ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chuyển biến rõ nét. Đời sống người dân được cải thiện, tạo động lực để Lục Ngạn rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Người dân cùng góp sức
Năm 2019, Lục Ngạn có 4 xã đăng ký về đích NTM là Mỹ An, Tân Quang, Tân Mộc và Quý Sơn. Hiện các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và hoàn tất hồ sơ để cấp có thẩm quyền thẩm định.
Về thôn Hòa Mục, xã Mỹ An đúng dịp hoàn thành công trình nhà văn hóa thôn, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui trong ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây. Ông Phạm Văn Thịnh (72 tuổi), người dân trong thôn chia sẻ, ngay khi được UBND xã và lãnh đạo thôn tuyên truyền chủ trương nhà nước và nhân dân cùng góp sức xây dựng NTM, gia đình ông đã tự nguyện hiến hàng chục m2 đất vườn để xây dựng khu trung tâm thôn.
Ngoài ra, gia đình ông còn cùng bà con góp 1 triệu đồng/khẩu để đối ứng xây dựng nhà văn hóa thôn. Dịp này thôn Hòa Mục đã hoàn thành xây dựng khu tập kết rác thải, tường bao nghĩa trang, chỉnh trang nhà cửa, ruộng vườn góp phần hoàn thành các tiêu chí.
Ông Nguyễn Đức khoản, Chủ tịch UBND xã Mỹ An chia sẻ, năm 2016 khi bước vào xây dựng NTM, xã mới đạt 12/19 tiêu chí. Để hoàn thành nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền xã đã đổi mới cách làm qua việc đề ra từng mục tiêu cụ thể sát với điều kiện thực tế địa phương. Với tinh thần tập trung cao, Mỹ An đã tận dụng và huy động mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của nhân dân để hoàn thiện các công trình giao thông nông thôn (GTNT), thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa thôn...
Trong phát triển kinh tế, Mỹ An khuyến khích bà con chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng cây ăn quả chủ lực như vải thiều, cam, bưởi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,5 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,7%. Đến nay xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Giống như Mỹ An, Tân Quang được UBND huyện Lục Ngạn giao về đích NTM vào cuối tháng 11 này. Giúp Tân Quang có nguồn lực hoàn thành các tiêu chí, cấp trên đã phân bổ gần 10 tỷ đồng hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình NTM. Ngoài số vốn trên, xã bố trí thêm 3 tỷ đồng cứng hóa kênh mương, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, xây nhà văn hóa, sân thể thao, cứng hóa đường trục thôn… Nhờ tích cực vận động người dân hiến đất, công sức, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí.
Sau hơn 10 năm triển khai, người dân Lục Ngạn đã hiến hơn 520 nghìn m2 đất; hàng chục nghìn ngày công và hơn 425 tỷ đồng xây dựng NTM.
Vượt mục tiêu số xã về đích
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Lục Ngạn, ban đầu kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2015- 2020 của huyện đặt ra mục tiêu mỗi năm có một xã về đích. Nhằm tạo đột phá trong thực hiện chương trình này, UBND huyện quyết định sửa đổi kế hoạch. Ngay trong năm 2019 sẽ có thêm 4 xã: Tân Quang, Mỹ An, Quý Sơn và Tân Mộc về đích NTM. Năm 2020 huyện tiếp tục dồn lực đưa 3 xã: Biển Động, Trù Hựu và Phượng Sơn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã về đích giai đoạn 2015- 2020 lên 11 xã, tăng 3 xã so kế hoạch ban đầu.
Năm 2019, toàn huyện có 117 công trình tại 16 xã được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM. Riêng 4 xã về đích có 72 công trình (Quý Sơn có 26, Mỹ An 14, Tân Quang 21 và Tân Mộc 11 công trình). Đến nay, cơ bản các công trình đã hoàn thiện.
Tuy vậy, thực tế rà soát cho thấy Lục Ngạn có một số khó khăn như: Địa bàn miền núi, chiều dài các tuyến đường GTNT lớn, nhiều xã, thôn còn khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn chế. Việc bảo đảm vệ sinh môi trường cũng gặp không ít trở ngại khi huyện vẫn chưa hoàn thành xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh còn thấp.
Vì vậy, để đạt mục tiêu sớm đưa các xã về đích NTM, Huyện ủy chỉ đạo đảng ủy các xã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện chương trình xây dựng NTM; chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.
Năm nay, những xã về đích NTM được huyện phân bổ 17,3 tỷ đồng. 11 xã nghèo của huyện được hỗ trợ 18,7 tỷ đồng để xây dựng NTM. UBND huyện đang triển khai xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại xã Hồng Giang trị giá hơn 21 tỷ đồng; xây dựng khu xử lý rác thải tập trung rộng hơn 6 ha tại xã Kiên Thành… Đặc biệt, những năm qua, phong trào toàn dân tham gia cứng hóa đường GTNT trên địa bàn huyện đã tạo nét đột phá lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn NTM tại các xã.
Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua thẩm tra tại 4 xã giao về đích năm nay và thực tế xây dựng NTM trên địa bàn cho thấy các địa phương đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Diện mạo làng quê đổi thay rõ nét, đời sống nhân dân nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Kết quả đó là cơ sở để thời gian tới, Lục Ngạn tiếp tục tạo chuyển biến mới, rút ngắn thời gian hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn.
Thế Đại - Quang Huấn