Xây dựng nông thôn mới ở Trì Quang: Chỉ có quyết tâm là chưa đủ !
Khi về công tác tại xã Trì Quang, tôi đã phản ánh với ông Ngô Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã về tình trạng xuống cấp và xuất hiện nhiều 'ổ gà' trên tuyến đường trục chính. Thoáng chút đắn đo, ông Khánh bộc bạch: Đó cũng là 1 trong 3 tiêu chí mà địa phương chưa biết xoay sở ra sao. Nếu Nhà nước không sớm bố trí nguồn vốn thực hiện, xã khó đảm bảo kế hoạch 'về đích' nông thôn mới trong năm nay.
Tuyến đường liên xã, liên huyện, từ Quốc lộ 4E vào trung tâm xã Trì Quang và đi Km43, Quốc lộ 70 dài 14 km, sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”, vào ngày trời mưa thì lầy lội, khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuyến đường dự kiến được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng bằng nguồn vốn JICA (Nhật Bản) và đã được khảo sát, lấy tham vấn cộng đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có danh mục đầu tư. Trong khi đó, 3 tháng nữa là kết thúc năm 2019, cũng thời điểm nước rút để xã “về đích” nông thôn mới và xã không còn cách nào khác ngoài ngồi chờ nguồn vốn đầu tư.
Một tiêu chí khác cũng “đe dọa” mục tiêu “về đích” nông thôn mới đúng hẹn của xã Trì Quang là tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới an toàn. Xã còn 210 hộ định cư không tập trung, sống rải rác tại 11/11 thôn trong xã. Do nhu cầu, các hộ này tự đầu tư đường dây kéo điện về sử dụng, do đó đường dây, cột điện không đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật. Về vấn đề này, huyện Bảo Thắng đã có chủ trương hỗ trợ cột, móng chôn cột; ngành điện hỗ trợ ngày công kéo dây và người dân bỏ tiền mua dây điện. Với 1 km đường dây điện, người dân phải đầu tư 60 triệu đồng, trong khi mỗi nhóm hộ trung bình khoảng 10 hộ, như vậy mỗi hộ sẽ phải đóng góp số tiền khá lớn. Tuy vậy, các hộ đều đồng thuận đóng góp, hiện chỉ chờ ngành điện đầu tư xây dựng 5 trạm biến áp.
Ông Ngô Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Trì Quang cho biết: Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, điện và cơ sở vật chất trường học. Có 13 việc dân phải làm và 15 việc thôn phải làm đã hoàn thành, 3 tiêu chí chưa đạt đều thuộc danh mục Nhà nước đầu tư. Người dân trong xã đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng, hiến hơn 420 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu như người dân thôn Làng Đào 2 góp 245/292 triệu đồng đổ bên tông gần 4 km đường trục thôn; thôn Tân Thượng góp 91/105 triệu đồng đổ bê tông và rải đá cấp phối 1,5 km đường trục thôn; thôn Làng Đào 1 góp 110/180 triệu đồng đổ bê tông hơn 2,6 km đường trục thôn. Đến nay, 26/30 km đường liên thôn của xã đã được cứng hóa.
Thực tế triển khai xã hội hóa làm đường giao thông đã xuất hiện nhiều cách làm hay và huy động được sự vào cuộc của cộng đồng, đặc biệt là việc gỡ khó cho những hộ khó khăn về kinh phí. Thôn Tân Thượng có 148 hộ, địa bàn rộng, người dân sống thưa thớt nên chiều dài đường giao thông nội thôn phải thực hiện dài. Tuy nhiên, bằng những biện pháp hiệu quả trong huy động sức dân, Tân Thượng là thôn đầu tiên của xã hoàn thành cứng hóa đường giao thông, trong đó đổ bê tông được 6 km và rải cấp phối gần 2 km. Bà Phạm Thị Sợi, Trưởng thôn Tân Thượng cho biết: Khi triển khai làm đường, trên tuyến đường Gốc Mít đi Làng Gạo dài 2 km nhưng chỉ có 24 hộ sinh sống, trong đó có 13 hộ khó khăn. Để đảm bảo tiến độ phong trào, lãnh đạo thôn đã giúp đỡ bằng cách đứng ra nhận khoán đổ bê tông đường của thôn để 13 hộ này thực hiện, dùng tiền công đóng góp vào kinh phí làm đường tại khu vực họ sinh sống.
Tiêu chí giảm nghèo và thu nhập của xã được đánh giá là khó thực hiện nhất nhưng với những biện pháp cụ thể, tiêu chí này đã sớm hoàn thành, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm giảm từ 8 đến 10% hộ nghèo và hiện nay, xã còn 97 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 9,73%. Ngoài việc tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ngay từ đầu năm, xã Trì Quang đã rà soát hộ nghèo, phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách từng thôn, từng tiêu chí; phân tích nguyên nhân nghèo để có biện pháp chỉ đạo phù hợp. Bên cạnh đó, xã tổ chức cho các hộ đi tham quan các mô hình kinh tế trong huyện và ngay trên địa bàn xã để học hỏi kinh nghiệm.
Để nâng cao tiêu chí thu nhập, xã xác định mũi nhọn là trồng rừng và chăn nuôi. Đến nay, xã có 2.186 ha rừng, chủ yếu là quế và mỡ, trồng tập trung ở các thôn Đào 1, Tân Thượng, Nhò Trong, Trì Thượng, Làng Mạ và Làng Trung. Trong chăn nuôi, xã thành lập 1 hợp tác xã nuôi bò, trang trại nuôi ngựa, nuôi lợn và 3 trang trại nuôi gà, ngoài ra có khoảng 300 hộ chăn nuôi với số lượng khá lớn. Xã cũng thành lập 1 hợp tác xã trồng và chế biến tinh dầu sả, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động của thôn Làng Trung. Xã cũng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Đơn cử, mô hình trồng cây đại táo, na tại thôn Nhò Trong (10 ha) cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha. Xã dự kiến thời gian tới tiếp tục đưa cây cỏ ngọt làm dược liệu, hồng xiêm, lê, mít Thái vào trồng để đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập.
Ông Ngô Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, đến nay xã Trì Quang đã đạt 16 tiêu chí nông thôn mới, toàn bộ phần việc của người dân đã hoàn thành. Nếu chỉ có sự nỗ lực của người dân là chưa đủ, chúng tôi mong Nhà nước sớm đầu tư kinh phí để thực hiện 3 tiêu chí còn lại, nếu không, mục tiêu “về đích” nông thôn mới năm 2019 sẽ khó đạt kế hoạch.