Xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới
Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực triển khai ở 18 xã giáp biên giới. Nhờ đó, các bản làng nơi đây từ khó khăn mọi bề, nay trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện.
Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực triển khai ở 18 xã giáp biên giới. Nhờ đó, các bản làng nơi đây từ khó khăn mọi bề, nay trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện.
Ðổi thay ở xã biên giới
Những ngày cuối năm có dịp về xã giáp biên giới Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, ở đâu cũng thấy người dân đang hối hả sửa sang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để chuẩn bị đón năm mới. Trục đường từ xã vào đến các thôn bản đều được trải bê-tông. Anh Lộc Văn Sâm, Trưởng thôn Pò Mã vui vẻ nói: Tết này 115 hộ dân ở trong thôn đều đã có điện thắp sáng, thôn có nhà văn hóa để giao lưu hát sli, múa sư tử…, có đường về thôn, không phải đi bộ ra trung tâm xã. Một số nhà còn mua ô-tô chở hàng nông sản ra chợ Trung tâm cụm Ba Sơn và đến chợ huyện để trao đổi hàng hóa. Thu nhập của người dân chủ yếu là khai thác nhựa thông, hoa hồi cho nên nhà nào cũng khá hơn trước, trong thôn giờ không còn hộ đói...
Cùng niềm vui chung, Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ Tô Văn Tuân phấn chấn chia sẻ với chúng tôi: Là xã giáp biên giới lại là vùng đặc biệt khó khăn, những năm trước, đời sống của bà con nơi đây thiếu thốn mọi bề. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã được hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn vốn, hạ tầng cơ sở được xây dựng, nhiều hộ dân được hướng dẫn xây dựng mô hình chăn nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mở rộng diện tích trồng khoai tây, dưa hấu, chăm sóc vườn hồi... Bên cạnh đó, người dân cũng đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất mở rộng trục đường liên thôn, liên xã, trục đường thôn bản… Hiện toàn xã có 30 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 8,9%... Sau hơn 5 năm phấn đấu, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Hiện đang chuẩn bị mọi mặt để vào ngày lễ hội mùa xuân sẽ đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.
Cũng giống như xã Xuất Lễ, xã giáp biên giới Bắc Xa, huyện Ðình Lập, cũng là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng sau hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến năm 2019 xã được công nhận đạt chuẩn. Ông Kỳ Dùng Phú, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Xa bồi hồi nhớ lại: Vào những năm 2000 trở về trước, hơn 95% diện tích đất tự nhiên của xã đều là đồi núi, toàn xã không có điện thắp sáng, không đường giao thông. Mỗi lần ra thị trấn huyện, chỉ duy nhất đi bộ, với quãng đường cả đi và về hơn 100 km, mọi thứ hàng hóa đều được cõng trên đôi vai, đôi chân... Mãi đến năm 2002, con đường từ thị trấn huyện được mở mới đến trung tâm xã, ra đến tận thôn Bản Mạ giáp biên giới. Từ khi có đường, các phương tiện ô-tô, xe máy ra vào tấp nập. Hằng ngày, đã có xe khách chở người và hàng hóa đi lại nhộp nhịp. Cũng trong năm 2002, toàn bộ 14 thôn bản của xã Bắc Xa có điện thắp sáng từ nguồn điện lưới quốc gia. Ðiện, đường, trường, trạm y tế... cùng với lợi ích từ cây thông, diện mạo của một xã biên giới đang dần đổi thay.
Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, Tô Ðức Sơn vui mừng chia sẻ: Xã chỉ có 321 hộ, với hơn 1.400 nhân khẩu, nhưng đến nay, các hộ dân đã trồng được hơn 11 nghìn héc-ta thông. Mỗi hộ gia đình đều trồng từ 10 đến 20 ha rừng thông, hộ nhiều nhất trồng hơn 40 ha... Diện tích đất rừng đã cơ bản phủ xanh, trong đó diện tích rừng cho khai thác nhựa thông chiếm hơn 20%; mỗi năm xuất khẩu hơn 300 tấn nhựa thông. Nhiều mô hình làm ăn mới như: đưa cây sa nhân, ba kích vào trồng dưới tán rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc... đã góp phần nâng tổng thu nhập của người dân lên bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Có đến 20% số hộ gia đình trong xã thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm nhờ phát triển kinh tế đồi rừng... Ðến nay, xã không còn hộ đói, nhiều hộ xây được nhà kiên cố có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt cần thiết như: ti-vi, tủ lạnh… con em được đến trường... Khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân đều đồng tình hưởng ứng, bà con các thôn bản đã không tiếc công sức tiền của, hiến đất làm các công trình hạ tầng như: giao thông, trường học, trạm y tế... Ðiển hình như thôn Bản Quầy nơi chỉ có 16 hộ dân với 78 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc Nùng. Thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM, trong hai năm 2017 và 2018, các hộ dân trong thôn đã chung tay cùng Nhà nước xây dựng các công trình thiết yếu. Hiến 2.000 m2 đất để làm 800 m đường bê-tông trục thôn và góp hơn 100 ngày công xây dựng nhà văn hóa thôn, đóng góp kinh phí, ngày công để làm các công trình nêu trên trị giá 150 triệu đồng.
Phát huy thành tích đạt được
Tỉnh Lạng Sơn có năm huyện với 18 xã giáp biên giới. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2016 đến hết năm 2020 đã có bảy trong số 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 100 trong số 189 thôn bản giáp biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại bình quân đều đạt 12,9 tiêu chí, không còn xã dưới năm tiêu chí. Kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã biên giới được cải thiện đáng kể; đời sống của dân cư từng bước được nâng cao. Ðến nay, toàn bộ các xã có đường ô-tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện cả bốn mùa, 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước đạt vệ sinh, tất cả trẻ em được cắp sách đến trường...
Thực tiễn cho thấy khi xây dựng NTM, các xã biên giới có điểm xuất phát thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu; tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; việc vận động nhân dân đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi nếp sống, phong tục lạc hậu, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ðể khắc phục những khó khăn đó, năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Ðề án hỗ trợ các xã khu vực biên giới và thôn bản giáp biên giới xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành triển khai thực hiện Ðề án bảo đảm theo yêu cầu kế hoạch đề ra; giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các huyện, xã để xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm phù hợp với thực tế ở từng địa phương.
Cùng với đó, là sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ đóng trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh, với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Ðại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, BÐBP tỉnh xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, tăng cường tình đoàn kết quân, dân giữa BÐBP với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, nhằm kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, các đồn biên phòng đã hỗ trợ quỹ xây dựng NTM hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ còn tham gia lao động giúp dân hàng nghìn ngày công, làm hơn 16 km đường giao thông liên thôn; gần 2.000 m2 sân bê-tông; 1,5 km kênh, mương thủy lợi; sửa chữa 35 ngôi nhà, hỗ trợ xây dựng năm phòng học… Các đồn biên phòng còn tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo qua nhiều mô hình hiệu quả như: Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới; bò giống giúp người nghèo biên giới; xuân biên phòng ấm lòng dân bản; nâng bước em tới trường; đồng hành với phụ nữ biên cương… từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Thời gian qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song nguồn lực xây dựng NTM tại các xã biên giới của tỉnh chủ yếu là nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình khác; nguồn lực huy động được từ doanh nghiệp và các thành phần khác rất ít. Bên cạnh đó, các xã biên giới chủ yếu là xã vùng III đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún chưa mang tính hàng hóa, tự cung tự cấp. Do vậy việc huy động nguồn lực xây dựng NTM từ người dân rất ít, chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có các cơ chế hỗ trợ cho vùng biên giới như: Tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền, tạo đột phá phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Ðồng thời đề nghị Trung ương có những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các xã biên giới, bao gồm cả nhân lực và vật lực, để việc xây dựng NTM tại các xã biên giới bảo đảm được tính khả thi và bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn các xã biên giới.