Xây dựng nông thôn mới tạo tiền đề vững chắc để Hậu Lộc phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững (Bài 2): Tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, huyện Hậu Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế tạo bước đột phá trong phát triển một số cây trồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp.
Nông trại Hải Đăng của gia đình bà Nguyễn Thị Luận, thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc được xây dựng theo mô hình sản xuất công nghệ cao.
Trong đó, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng đạt năng suất, chất lượng. Đồng thời tích tụ, tập trung đất đai nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao (CNC) và theo hướng CNC. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (khóa XVIII) về tích tụ, tập trung đất đai; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, UBND huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, huyện tập trung chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Năm 2022, huyện Hậu Lộc đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 162,26 ha. Một số loại cây trồng sau chuyển đổi có đầu ra ổn định đạt giá trị cao như: cây ngô ngọt, khoai tây vụ đông xuân; cây rau màu các loại như cải bó xôi, đậu tương, cây dưa các loại cho giá trị thu nhập từ 140 - 150 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 60 - 80 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với đó, huyện đã chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn quả 19,73 ha.
Năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Hậu Lộc là 153,5 ha, trong đó diện tích đất lúa chuyển sang cây trồng hàng năm như ngô, ớt, rau, cây thức ăn chăn nuôi là 127 ha; trồng cây ăn quả các loại là 16,5 ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 10 ha. Đến tháng 7-2023, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Hậu Lộc đạt 620 ha, sản lượng đạt 11.160 tấn, chủ yếu trồng các loại cây như bưởi, nhãn, chuối, dừa, na... và các cây ăn quả địa phương. Huyện đã thực hiện xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 10 ha tại khu Thanh Xuân, Tân Xuân, thị trấn Hậu Lộc theo hướng trang trại sinh thái, tham quan và trải nghiệm.
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Hậu Lộc đã tích tụ, tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC và theo hướng CNC. Trong giai đoạn 2021-2023, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là 621,43 ha (ở lĩnh vực trồng trọt tích tụ, tập trung là 492,4 ha, trong đó diện tích ứng dụng CNC là 6,5 ha; diện tích thực hiện theo hướng CNC là 485,9 ha). Hình thức tích tụ chủ yếu là thuê quyền sử dụng đất với thời gian trên 5 năm để sản xuất cây lúa chất lượng cao quy mô lớn thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với diện tích 216,9 ha, mỗi hộ sản xuất từ 10 - 35 ha. Giá trị thu nhập đạt 98 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 44 triệu đồng/ha/năm, cao hơn diện tích không thực hiện tích tụ là 14 triệu đồng/ha/năm. Nổi bật, huyện Hậu Lộc xây dựng 2 mô hình sản xuất nông nghiệp CNC (mô hình nhà lưới trồng rau an toàn thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP) tại các xã Phú Lộc, Hoa Lộc; giá trị thu nhập đạt trên 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng/ha/năm. Mô hình tích tụ đất theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong nhà màng, nhà lưới với diện tích 6,5 ha tại các xã Triệu Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Hoa Lộc, Hòa Lộc, Quang Lộc, Hưng Lộc, thị trấn Hậu Lộc để trồng cây dưa lưới, dưa Kim hoàng hậu cho giá trị thu nhập trên 700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Thực hiện Quyết định số 1444/2021/QĐ-UBND ngày 19-7-2021 về ban hành Kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC và theo hướng CNC trên địa bàn huyện Hậu Lộc, giai đoạn 2021-2025, huyện Hậu Lộc thực hiện hỗ trợ sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC và hỗ trợ sản xuất vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay trên địa bàn huyện đã thực hiện được 2/5 mô hình hỗ trợ sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC là trồng rau thủy canh trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản tại các xã Phú Lộc, Hoa Lộc, đạt 40% kế hoạch; kinh phí đã giải ngân hỗ trợ 500 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Phú Lộc; xã Hoa Lộc đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Về thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc, chúng tôi đến thăm Nông trại Hải Đăng của gia đình bà Nguyễn Thị Luận. Những ngày này, khu nhà màng, nhà lưới của gia đình bà Luận xanh mướt bởi các loại rau thủy canh (xà lách, rau mùi, cải, cần tây...) và màu vàng óng của dưa Kim hoàng hậu đang độ thu hoạch. Đây là nông trại đầu tiên của xã Hoa Lộc được xây dựng theo mô hình sản xuất CNC. Từ vùng đất sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả, gia đình bà Luận đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang thành lập trang trại với tổng diện tích 20.500 m2. Hiện nay, Nông trại Hải Đăng có 5.000 m2 nhà màng trồng dưa Kim hoàng hậu và trồng các loại rau thủy canh theo công nghệ Nhật Bản, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10 lao động thời vụ tại địa phương, với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Lộc cho biết: Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đã vận động Nhân dân đổi điền, dồn thửa, tích tụ đất đai thành ô thửa lớn để tạo ra sức sản xuất lớn, nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025, xã Hoa Lộc đã tập trung quy hoạch diện tích, cơ cấu cây trồng theo vùng để sản xuất hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả việc sản xuất cây ớt tập trung tại khu vực quy hoạch mã vùng, mã vạch. Toàn xã có 3 hộ sản xuất theo mô hình nhà màng, nhà lưới, với diện tích 7.000 m2. Xã đã tích tụ được 4 ha diện tích đất nông nghiệp để sản xuất, ứng dụng CNC. Từ chú trọng đến phát triển sản xuất đã góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên, diện mạo NTM ngày càng khởi sắc. Đây là cơ sở quan trọng để xã Hoa Lộc phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, cho biết: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 là 1 trong 2 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Huyện Hậu Lộc phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 24%; sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm 60 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC năm 2025 đạt 775 ha (trong đó lĩnh vực trồng trọt là 477 ha). Giá trị sản phẩm trên một ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2025 đạt 210 triệu đồng/ha trở lên.
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, huyện Hậu Lộc đang tập trung chỉ đạo tạo bước đột phá trong phát triển một số cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng CNC và theo hướng CNC. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn. Huyện cũng đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) nhằm khắc phục tình trạng đất trồng lúa bỏ hoang nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất trong nhà màng, nhà lưới để trồng dưa lưới, dưa Kim hoàng hậu, rau thủy canh. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ (lúa hữu cơ, rau hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ) để nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy hơn nữa vai trò của các HTX trong việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm hữu cơ; mở rộng các vùng sản xuất tập trung theo hướng CNC gắn với bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
Bài cuối: Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường.