Xây dựng nông thôn mới vì cuộc sống người dân

Là một huyện trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm tốt khâu quy hoạch và huy động được các nguồn lực... huyện Vĩnh Lộc đã sớm cán đích nông thôn mới (NTM). Đáng mừng hơn, khi được lấy ý kiến, có đến 99,8% người dân địa phương hài lòng về hiệu quả xây dựng NTM.

Từ Quốc lộ 1A chúng tôi rẽ vào Quốc lộ 217 để về thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tới địa phận của huyện là cảnh yên bình của một vùng quê trung du, miền núi; dọc đường về thị trấn, hai bên đường là những đồi cây xanh mát, hầu như không có rác thải. Tại các thôn, xã của huyện, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố; những con đường mới đổ bê tông phẳng phiu được tô điểm thêm bởi các ô trồng hoa ven đường...

Tại xã Vĩnh Tiến-địa phương đã hoàn thành 15/15 tiêu chí NTM nâng cao của huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những bức tường bích họa ở một số tuyến đường chính. Cùng với cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng trung tâm văn hóa, khu thể thao... xã Vĩnh Tiến đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

 Đường vào thôn Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc luôn sạch, đẹp.

Đường vào thôn Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc luôn sạch, đẹp.

Ông Dương Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến cho biết: “Những năm qua, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như các mô hình: Trồng sen lấy ngó, hạt, hoa; nuôi trồng thủy sản kết hợp sản xuất rau an toàn; lúa-cá; chuối tiêu hồng... Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 19 công ty, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả; 239 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm ổn định cho người lao động. Nhờ thế mà thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 49,79 triệu đồng/năm, gần gấp đôi so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,68%, giảm 1,62% so với năm 2014”. Bà Vũ Thị Lễ, người dân thôn Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến tâm sự: “Tôi cứ thấy đường sạch sẽ, người già, trẻ nhỏ đi lại thuận tiện là thích rồi. Các con, cháu công tác ở xa mỗi lần về quê cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi với sự phát triển, đổi thay của quê hương”.

Nhìn vào những kết quả đạt được ở huyện NTM Vĩnh Lộc hôm nay, ít ai biết rằng, huyện Vĩnh Lộc bắt tay xây dựng NTM ở xuất phát điểm thấp vì là huyện thuần nông, sản xuất phân tán, manh mún, quy mô hộ gia đình; nông-lâm-thủy sản chiếm tới 50,34% trong cơ cấu kinh tế; hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu; các tiêu chí NTM mới đạt bình quân 5,33 tiêu chí/xã. Bà Vũ Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc chia sẻ: “Trước thực tế đó, chúng tôi xác định khâu lập quy hoạch là căn cơ, làm cơ sở để thực hiện các nội dung còn lại. Từ đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã thực hiện lập quy hoạch xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đến tháng 6-2012, UBND huyện hoàn thành phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM cho 15 xã. Chúng tôi cũng xây dựng và hoàn thành quy hoạch vùng huyện Vĩnh Lộc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, theo hướng đưa Vĩnh Lộc trở thành huyện có kinh tế phát triển với tỷ trọng du lịch, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vượt trội”.

Theo ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cùng với việc lập quy hoạch thì huyện cũng xác định phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá vì nó quyết định đến sự phát triển lâu dài và bền vững trong xây dựng NTM. Từ đó, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa và chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ thế mà tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân toàn huyện giai đoạn 2011-2019 đạt 15,02%. Năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế ước đạt hơn 7.146 tỷ đồng, tăng 3,55 lần so với năm 2010; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 136 triệu đồng; triển khai thực hiện được 30 chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng an toàn thực phẩm... Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng 3,16 lần so với năm 2010; giá trị xuất khẩu tăng từ 2,55 triệu USD năm 2010 lên 57 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,43% năm 2010 xuống còn 4,12% trong năm 2019.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN-VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/xay-dung-nong-thon-moi-vi-cuoc-song-nguoi-dan-642835