Xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa - Bài 1: Sẵn sàng hiến đất mở đường
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân', Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, bởi cách làm bài bản, khoa học, đi bước trước nhưng đã tính được những bước sau...
Hà Nội xác định là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, đối với người nông dân "tấc đất, tấc vàng" nhưng họ sẵn sàng đồng lòng cùng chính quyền hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp. Với những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua đã giúp Hà Nội thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Lan tỏa phong trào
Hà Nội là địa phương đến phút cuối mới có một xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay đã có 6 huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2% số xã); thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm, tăng 33,5 triệu đồng.
Hà Nội có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước, với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả.
Song song với đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa, nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Chính nhờ phong trào hiến đất mở đường mà tại các làng quê của Hà Nội nói chung đã có nhiều khởi sắc, đổi mới. Cùng với những con đường mới được đầu tư xây dựng, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nơi, người dân còn góp tiền xây cổng làng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa...
Về phong trào hiến đất làm đường của người dân, Quyền Chủ tịch UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức Hoàng Văn Tuấn nhận xét: Ai cũng hiểu rõ giá trị của "tấc đất - tấc vàng", nhưng hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chính những người nông dân đã hy sinh nguồn lợi cá nhân để hiến đất mở đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Đến thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn hỏi thăm ông Phùng Văn Hải thì ai cũng biết ông Hải là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm. Không chỉ tự nguyện đóng góp đất đai, công sức, tiền của, ông Phùng Văn Hải còn kiên trì vận động người dân góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhiều công trình bị phá dỡ trong quá trình mở đường. Việc làm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, biến những điều tưởng chừng khó trở thành hiện thực, để quê hương Vân Côn có diện mạo mới...
Ông Hải chia sẻ, trước thực trạng người đồng thuận hiến đất, hộ còn băn khoăn, lãnh đạo thôn cùng ban vận động của xóm quyết định: Nơi nào thuận lợi làm trước, nơi nào khó khăn làm sau. Khi những đoạn đường dần hiện rõ hình hài, đẹp hơn, thoáng hơn, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để mở đường thẳng hơn, rộng hơn. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn, 20 hộ dân hai bên đường đã hiến 100m2 đất, trong đó, nhiều gia đình đã tự nguyện phá dỡ các công trình kiên cố như: Bể nước ngầm, cổng ra vào…
Phong trào người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới của Hà Nội lan tỏa ở nhiều địa phương, đâu đâu cũng có những gương điển hình tiêu biểu sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình mình chung tay cùng chính quyền xây dựng và phát triển nông thôn khang trang, sạch đẹp.
Ông Đặng Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng phấn khởi kể về những thành quả mà nhân dân Thượng Mỗ cùng nhau thực hiện trong việc mở rộng đường nông thôn. Ánh mắt của ông Bí thư xã năm nào lấp lánh vẻ tự hào xen lẫn xúc động.
Ông Hùng kể, thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố và Chương trình số 02-Ctr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân", nhiều nơi của huyện Đan Phượng, các phong trào xây dựng nông thôn mới thực hiện rầm rộ với không khí phấn khởi. Phong trào hiến đất mở rộng đường nông thôn là nhiệm vụ được xác định sẽ khó khăn và lâu dài. Khó là bởi "tấc đất - tấc vàng", đâu ai dễ gì từ bỏ từng mét đất đã gắn bó với cuộc sống của họ bao lâu nay.
Cán bộ làm gương, nhân dân noi theo
So với các xã khác ở huyện Đan Phượng, Thượng Mỗ bắt nhịp sau, nhưng phong trào hiến đất, góp công, góp của từ nhân dân đạt kết quả nhanh đến bất ngờ. Hàng chục cuộc họp giữa chính quyền xã và người dân diễn ra để bàn về việc mở đường nông thôn.
Lúc đầu, nhiều gia đình còn băn khoăn, e ngại khi phải tháo dỡ, từ bỏ một phần tài sản của gia đình như tường nhà, bể nước ngầm, công trình phụ... "Cái khó sẽ ló cái khôn, cán bộ cần làm gương trước mới mong nhân dân thực hiện", ông Hùng chia sẻ.
Ông Trần Văn Phục, Trưởng xóm Giữa (thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) nhớ lại: Ban đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Khi họp dân bàn về hiến đất mở đường, các hộ cũng phản đối. Tôi đã đích thân đến từng gia đình cán bộ, đảng viên để vận động họ gương mẫu tham gia trước.
Sau đó, những người này trở thành "hạt nhân" cùng tôi đến từng hộ dân, phân tích những hạn chế của đường nhỏ hẹp và vận động các hộ tham gia hiến đất mở rộng đường. Khi hiểu rõ lợi ích chung, hầu hết người dân đều tự nguyện tham gia.
Trong nghìn lẻ câu chuyện hiến đất làm đường ở nông thôn vô cùng cảm động, bởi nhiều gia đình còn rất khó khăn hay như vướng vào tâm linh nhưng họ luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Đó là ngôi nhà cổ của ông Khuất Duy Nguyên (75 tuổi) ở xóm Dế thuộc thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Nhà được làm bằng gỗ, có từ 5 đời, tính đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Nguyên là cháu trưởng của dòng họ Khuất trong làng, nên mọi việc ông làm đều có ảnh hưởng đến những người trong họ.
Ông Nguyên chia sẻ: "Khi tôi đồng ý dỡ bỏ một phần mái nhà, phạt đi một đoạn tường để hiến đất, người trong dòng họ phản đối lắm. Đất hương hỏa, nhà tổ tiên có từ 5 đời bỗng nhiên động chạm phá dỡ, ai cũng ngại. Trong các cuộc họp gia đình, tôi vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình vì tôi nghĩ mỗi nhà lùi vào vài chục centimet thì đường thôn sẽ thoáng rộng hơn. Đó là cái lợi lâu dài mà ai cũng được hưởng. Thấy tôi cương quyết vậy, con cháu cũng nghe theo".
Câu chuyện hiến đất làm nhà văn hóa thôn của gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Mễ Sơn, (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) cũng không kém phần xúc động, bởi gia đình bà thuộc diện khó khăn ở địa phương nhưng sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Mễ Sơn cho biết, mặc dù gia đình bà Nguyễn Thị Lương còn khó khăn, nhưng vì việc chung của thôn, bà Lương đã vận động người thân tình nguyện hiến đất xây dựng nhà văn hóa phục vụ hoạt động chung của cộng đồng.
Bà Lương cho biết, khi xã Nguyễn Trãi có chủ trương cho thôn Mễ Sơn xây dựng nhà văn hóa với diện tích hơn 1.000m2, cán bộ trong thôn tổ chức họp dân bàn xem nên làm cách nào để có được diện tích tối thiểu xây dựng nhà văn hóa.
Lúc đó, có 7 hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất nằm trong khuôn viên dự án, gia đình bà cũng trong số đó. Khi các hội đoàn thể của thôn, xã thông báo, các hộ dân có thể đổi đất hoặc hiến đất để xã hoàn thành công trình, sau nhiều đêm suy nghĩ, bà bàn với con cháu và quyết định hiến 65m2 đất của gia đình nằm trong khuôn viên dự án nhà văn hóa cho chính quyền địa phương.
Giờ đây, một nhà văn hóa khang trang đã hoàn thành, trở thành nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội họp cho toàn thể người dân trong thôn, bà rất mừng và càng thấy việc làm của gia đình mình thật có ý nghĩa.
Nói về tâm huyết của người mẹ, con trai út Lê Văn Lư kể lại: "Ban đầu khi nghe mẹ tôi nói sẽ hiến 65m2 đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa, tôi thấy cũng băn khoăn bởi gia đình không khá giả, nếu bán chỗ đất đó sẽ được một khoản không nhỏ cho mẹ già phòng lúc ốm đau. Tuy nhiên, khi nghe mẹ tôi phân tích, con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương và việc này có ý nghĩa lớn cho con cháu nên tôi và mọi người trong gia đình đều nhất trí nghe lời mẹ, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn".
Hiện nay, không riêng gì các xã ở huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Sóc Sơn, Hoài Đức mà rất nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, phong trào hiến đất, góp công, góp của diễn ra sôi nổi, với tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân.
Bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấy có được là do sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng từ cả hệ thống chính trị đến người dân mà trong đó đóng góp của từng cán bộ, người dân đã mang đến hiệu quả lớn, giúp Hà Nội sớm hoàn thành các Tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chính những nhà văn hóa thôn đang trở thành nơi ươm mầm, tạo động lực để các bạn trẻ, người dân nông thôn gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế giỏi, nhất là đối với các bạn trẻ với khát vọng khởi nghiệp, thoát nghèo, xây dựng quê hương thành nơi đáng sống.