Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 21-5, các đại biểu Quốc hội (QH) bước sang ngày làm việc thứ hai với các nội dung: nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; nghe Chính phủ Báo cáo về Ðiều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014; nghe Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HÐND; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Các dự án luật cần bảo đảm chất lượng tốt

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 của Ủy ban Pháp luật của QH, thời gian qua, QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Tuy nhiên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục như: số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều; chất lượng của một số dự án luật còn hạn chế như: tình trạng "tồn đọng" văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều...

Ủy ban TVQH dự kiến bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm năm dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 gồm 31 dự án luật, hai dự án pháp lệnh, một dự án nghị quyết.Trong năm 2016 cần tiếp tục xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật để thể chế hóa các nghị quyết của Ðảng và tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Ủy ban TVQH đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thi hành nghiêm chỉnh Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc soạn thảo, thẩm tra, trình Ủy ban TVQH, QH để bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị các dự án luật...

Xem xét, điều chỉnh Ðiều 60 của Luật BHXH năm 2014

QH đã nghe Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Ðiều 60 của Luật BHXH năm 2014. Bộ trưởng nêu rõ: Nội dung Ðiều 60 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với cuộc sống trước mắt của người lao động mà còn chăm lo cuộc sống khi về già của người lao động, khi mà người lao động không còn sức lao động, không thể làm việc, cần được quan tâm bảo vệ nhiều nhất. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006. Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp, cho nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn.

Trên cơ sở nguyện vọng của người lao động, Chính phủ báo cáo QH xem xét, điều chỉnh Ðiều 60 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết: Ða số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Ðồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Các đại biểu QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ðối với những quy định về Ban công tác Mặt trận, đại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) cho rằng, mô hình hoạt động này không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận mà chỉ là phương thức tổ chức trong nội bộ Mặt trận ở cơ sở; vì vậy không cần quy định trong Luật mà để quy định trong Ðiều lệ MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) nêu ý kiến: Trong thực tế, Ban công tác Mặt trận đang được tổ chức rộng khắp và hoạt động khá hiệu quả ở các địa phương. Việc luật hóa mô hình này nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở...

Các đại biểu QH cũng đã nghe Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HÐND...

Bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Buổi chiều, QH nghe đại diện Ủy ban TVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi). Sau đó, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Ðề cập NVQS (Ðiều 4), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) cho rằng, NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân. Ðể bảo đảm công bằng xã hội, đề nghị dự thảo Luật cần quy định bổ sung nghĩa vụ đối với những công dân không có cơ hội tham gia NVQS phải đóng góp một khoản tiền vào xây dựng quốc phòng, để bảo đảm công bằng xã hội. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, hằng năm, ở nước ta có khoảng bảy triệu công dân trong độ tuổi nhập ngũ, song số thanh niên này được gọi vào quân đội ít, phần lớn không nhập ngũ. Ðể bảo đảm công bằng xã hội, dự thảo Luật cần mở rộng khái niệm NVQS. Thực hiện NVQS nên gắn với người đang làm nhiệm vụ khác, như: kỹ sư, công nhân được sử dụng trong xây dựng công trình quốc phòng, do các đơn vị quân đội quản lý; công nhân viên chức làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng không đeo quân hàm, nhưng làm việc dân sự... Nếu dự thảo Luật mở rộng khái niệm NVQS sẽ thu hút được nhiều thanh niên tham gia thực hiện NVQS, tạo bình đẳng trong xã hội.

Ðại biểu Hồ Thị Cẩm Ðào (Sóc Trăng) và nhiều đại biểu đồng tình như dự thảo Luật và cho rằng, quy định gọi công dân nhập ngũ từ 18 đến 25 tuổi (Ðiều 31), là phù hợp, bảo đảm nhân lực để xây dựng quân đội và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lại cho rằng, quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ như dự thảo Luật là chưa phù hợp, nên quy định độ tuổi nhập ngũ công dân từ 18 đến 27 tuổi. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho tất cả các trường hợp tạm hoãn được tham gia NVQS, bảo đảm công bằng xã hội...

PV

Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị):

Quan điểm của tôi là có thể điều chỉnh Ðiều 60 của Luật BHXH năm 2014 để đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng đối tượng lao động. Bởi có người lao động cần lương hưu khi về già nhưng cũng có người muốn được hưởng một lần để giải quyết công việc trước mắt. Qua vấn đề này, các cơ quan thẩm tra, các đại biểu QH khi xây dựng luật cần tìm hiểu cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Bên cạnh đó cũng cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn luật thời gian qua còn hạn chế, chưa làm người lao động hiểu được giá trị của tích lũy BHXH càng lâu thì về sau người lao động càng có đời sống ổn định, hơn là việc "gặt lúa non".

Ðại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội):

Tính ưu việt của Ðiều 60 Luật BHXH năm 2014 là bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo người lao động khi về hưu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật chưa đánh giá tổng thể, cặn kẽ tác động của dự án luật đến tất cả các đối tượng. Tôi cho rằng, trước mắt nên sửa Ðiều 60 này để phù hợp nguyên tắc đóng - hưởng BHXH và phù hợp nhu cầu của một bộ phận người lao động.

Ðại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng):

Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đã giao quyền tự chủ cho mặt trận lựa chọn nội dung và hình thức phản biện. Tuy nhiên, để phát huy và phản ánh đầy đủ chức năng, vai trò của MTTQ, Luật sửa đổi cần bổ sung quy định, Mặt trận có quyền thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách của Ðảng. Bởi mỗi chủ trương, chính sách của Ðảng đưa ra đều ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, đời sống nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/26402402-%20xay-dung-phap-luat-la-nhiem-vu-trong-tam.html