Xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh đáp ứng yêu cầu tình hình mới (bài 1)
Công nghiệp an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc phòng, an ninh, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng CAND.
Nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh (CNAN); bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương quan giữa xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) với xây dựng, phát triển CNAN; phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng dự án Luật CNQP, an ninh và động viên quốc phòng, trong đó Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng các chính sách về CNAN. CNAN là bộ phận của CNQP, an ninh, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng CAND.
Theo Bộ Công an, trong nhiều năm qua, cùng với CNQP, Đảng và nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng và phát triển CNAN. Bên cạnh đó, những yêu cầu từ tất yếu khách quan cũng đặt ra việc phải xây dựng phát triển CNAN hiện đại xứng tầm với vai trò, vị trí, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Nhiều chủ trương, định hướng về xây dựng, phát triển CNAN
CNAN nói riêng, CNQP, an ninh nói chung luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng và phát triển. Nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng: "Xây dựng, phát triển CNQP, CNAN hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ". Đồng thời, các nghị quyết đã đề ra các giải pháp cho phát triển CNQP, an ninh: "Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc", "Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã khẳng định cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho CNQP, an ninh.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: "Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia". Đồng thời, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 nhấn mạnh "Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù", "Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại", "Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ CNQP, CNAN. Cơ cấu lại các cơ sở CNQP, hình thành các cơ sở CNAN bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại theo hướng lưỡng dụng, hiện đại".
Như vậy, quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, pháp luật của nhà nước luôn gắn CNQP và CNAN thành một khối thống nhất, tương đồng, song hành về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ khác nhau ở các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng quản lý nhà nước của 2 bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Yêu cầu tất yếu khách quan
CNAN đã được hình thành gắn với quá trình xây dựng lực lượng CAND qua các thời kỳ lịch sử. Bắt đầu từ các cơ sở sửa chữa, cải tiến; phát triển dần đến các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng; cơ sở sản xuất các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, đặc biệt là thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ trực tiếp phục vụ công tác công an và một phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội (đáp ứng nhu cầu của các lực lượng thực thi pháp luật như: hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư; nhu cầu dân sinh về thiết bị an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy,...).
Trong những năm qua, tình hình an ninh, chính trị trên thế giới luôn có những diễn biến mau lẹ, phức tạp, căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.
Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "Diễn biến hòa bình" nhằm chống phá Việt Nam, vấn đề an ninh quốc gia xuất hiện nhiều thách thức mới, như: Các loại hình an ninh phi truyền thống; an ninh mạng; tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố quốc tế; vấn đề tác chiến điện tử; bảo mật các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trọng yếu của quốc gia; bảo vệ chủ quyền số quốc gia. Các thế lực thù địch, các loại tội phạm đã và đang tăng cả về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động và sự hình thành các loại tội phạm liên quan đến diễn biến, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19... đã tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm (sau đây viết gọn là bảo đảm an ninh, trật tự) của lực lượng CAND.
Từ đó, đặt ra cho lực lượng CAND những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi cần đổi mới toàn diện về đối sách, biện pháp công tác nghiệp vụ và đặc biệt cần trang bị, hiện đại hóa các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ, chuyên dùng nhằm tự lực, tự cường, chủ động đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND, phấn đấu năm 2030 lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Trong các yêu cầu, nhiệm vụ đó, yêu cầu xây dựng, phát triển CNAN hiện đại xứng tầm với vai trò, vị trí là một tất yếu khách quan.