Xây dựng, phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm chủ lực: Nâng cao sức cạnh tranh

Trước yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương là phải xác định được 'tên tuổi và chỗ đứng' trên thị trường, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu.

Gia Lai có hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm ưu thế với nhiều sản phẩm đặc trưng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, bơ, sầu riêng, khoai lang, mía đường, chanh dây, lúa gạo đặc sản, cây dược liệu, rau, hoa và các đặc sản ẩm thực. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa được giới thiệu rộng rãi trên thị trường nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy giá trị, thương hiệu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã chỉ tập trung vào phát triển sản xuất và chưa xem trọng giá trị tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT); chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và cạnh tranh thị trường, do đó không thống nhất và chưa tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh việc xác lập, quảng bá và phát triển thành các thương hiệu mạnh.

Rau An Khê là sản phẩm đặc trưng của địa phương đang được phát triển quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: T.D

Rau An Khê là sản phẩm đặc trưng của địa phương đang được phát triển quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: T.D

Theo ông Nguyễn Nam Hải-Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, để phát triển các sản phẩm một cách bền vững, ngoài việc đầu tư mở rộng sản xuất, tạo đầu ra ổn định, tuân thủ quy trình sản xuất thì việc xây dựng và bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc trưng là một yêu cầu mang tính quyết định. Vì vậy, việc tạo lập thương hiệu cho các sản phẩm là rất cần thiết, là cơ sở mang lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh; song song với đó là thiết lập cơ chế quản lý, các điều kiện sử dụng các nhãn hiệu, cơ chế khai thác nhãn hiệu cần được đầu tư. Đó là những yếu tố cơ bản, giúp cho đơn vị quản lý và các đối tượng liên quan thuận lợi trong quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, góp phần khẳng định vị thế trên thị trường.

Những năm gần đây, công tác quản lý về SHTT được chú trọng, các hoạt động truyền thông về vai trò của quyền SHTT được phổ biến trên nhiều phương tiện, hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo về lĩnh vực SHTT được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách về hỗ trợ xác lập quyền SHTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Những nỗ lực trong hoạt động quản lý SHTT trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu. Số lượng văn bằng nhãn hiệu được cấp cho các tổ chức tập thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã tăng lên đáng kể, là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khoai lang Lệ Cần là sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Trần Dung

Khoai lang Lệ Cần là sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Trần Dung

Gia Lai hiện có 10 sản phẩm đang được xây dựng nhãn hiệu đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, còn có 7 sản phẩm đã và đang được xây dựng nhãn hiệu đăng ký như: phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, rau An Sơn-Đak Pơ, chôm chôm Ia Grai; chỉ dẫn địa lý gạo Ba Chăm-Mang Yang, cà phê Gia Lai, chanh dây Gia Lai. 3 sản phẩm đặc trưng của địa phương gồm: gạo Phú Thiện, rau An Khê, hồ tiêu Chư Sê cũng đang được thực hiện quản lý phát triển quyền sở hữu công nghiệp.

“Một số sản phẩm sau khi đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp bước đầu đã giúp các tổ chức, cá nhân tạo được ưu thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh như giá cả tăng cao, thị trường được mở rộng và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục phát triển các sản phẩm được bảo hộ có chất lượng, sản phẩm OCOP của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy cuộc chiến chống gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy tiềm năng phát triển của các nguồn lực địa phương”-Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

TRẦN DUNG-TẤN THẮNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202006/xay-dung-phat-trien-nhan-hieu-cho-san-pham-chu-luc-nang-cao-suc-canh-tranh-5687282/