Xây dựng phụ nữ Sơn La 'Đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên'
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Sơn La ngày càng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động, phong trào của Hội; chủ động, sáng tạo trong lao động, công tác, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh; kiên trì thực hiện phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đa dạng hóa hình thức tập hợp phụ nữ thông qua các phong trào, cuộc vận động: Phụ nữ tích cực, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ... Hội còn ký kết chương trình phối hợp tổ chức trong nữ công nhân viên chức, lao động, nữ thanh niên với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhằm khơi dậy và phát huy vị trí, vai trò, cũng như phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Bên cạnh đó, Hội luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội chuyên nghiệp thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng; thường xuyên kiện toàn cán bộ hội các cấp... Hiện nay, hệ thống tổ chức hội phụ nữ các cấp trong tỉnh gồm có 1 tổ chức hội cấp tỉnh, 12 hội LHPN các huyện, thành phố, 3 tổ chức hội đơn vị trực thuộc, 204 hội phụ nữ xã, phường, thị trấn, 2.303 chi, tổ hội, với tổng số trên 232.600 hội viên. 100% cán bộ Hội LHPN tỉnh, cán bộ hội chủ chốt cấp huyện và chủ tịch hội phụ nữ cấp cơ sở đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Chủ động rà soát, phát triển hội viên, phát triển đảng trong hệ thống hội, phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% chi hội trưởng được đứng trong hàng ngũ của Đảng; nâng tỷ lệ thu hút hội viên từ 63% lên 68%.
Hội chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh thực hiện “Ứng dụng công nghệ thông tin” trong hoạt động. Công tác thông tin, báo cáo trên các trang Zalo cán bộ hội các cấp được duy trì hiệu quả, với 60% hội phụ nữ xã, phường, thị trấn sử dụng kết nối phần mềm làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh. Riêng năm 2023, Hội còn triển khai các cuộc thi trực tuyến do Trung ương, tỉnh phát động đến hội viên trong toàn tỉnh. Tiêu biểu như các cuộc thi: “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, Luật Bình đẳng giới; tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2023; cải cách hành chính tỉnh Sơn La năm 2023..., thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia.
“Đồng hành xây dựng chi, tổ phụ nữ các xã biên giới vững mạnh, trong đó chú trọng đến các vùng có đồng bào sinh hoạt tôn giáo” đã được các cấp hội quan tâm thực hiện lồng ghép trong Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Hằng năm, Hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và Kế hoạch phối hợp số 13/KHPH-HLHPN-BĐBP về vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới giai đoạn 2023-2025. Tại các Chương trình, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy; phòng chống mua bán người, bạo lực, xâm hại trẻ em... Tập huấn công tác vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo; hướng dẫn duy trì và thực hiện tốt các loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe, như: văn nghệ, thể thao, dân vũ...
Hằng năm, Hội thường xuyên phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Trong đó, phụ nữ khối hành chính sự nghiệp và khối sản xuất, kinh doanh tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị, đẹp về văn hóa”..., góp phần cùng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiệm kỳ 2020-2025, có 32,5% nữ cấp ủy cấp tỉnh; 43,83% nữ cấp ủy cấp huyện và 17,8% nữ cấp ủy cấp xã. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 chị giữ các chức danh chủ chốt các cơ quan tỉnh; 20 nữ nhà giáo ưu tú; 5 nữ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc; 2 nữ phó giáo sư - tiến sỹ; 46 nữ tiến sỹ; 4 nữ nghệ sĩ ưu tú, 7 nữ nghệ nhân ưu tú; 19 nữ thầy thuốc ưu tú... Những con số này minh chứng thêm về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Phụ nữ ở khối nông thôn đã phát huy vai trò chủ đạo trong sản xuất nông, lâm nghiệp; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như phụ nữ huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu... góp phần cùng địa phương xây dựng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao; phụ nữ Mộc Châu tham gia phát triển dịch vụ du lịch; Phụ nữ Phù Yên tham gia sản xuất gạo hữu cơ, sản phẩm cây ăn quả theo hướng sản phẩm sạch... Toàn tỉnh có 622 phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả; 26 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tại vòng Chung kết cấp vùng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023”, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, 3 dự án của tỉnh Sơn La đều xuất sắc đoạt giải, gồm: 1 giải nhất và 2 giải khuyến khích. Tại cuộc thi toàn quốc đã đoạt 1 giải ba.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng cán bộ, hội viên để có giải pháp chỉ đạo các phong trào, hoạt động phù hợp với cơ sở. Triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Đề án “Tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”. Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; triển khai Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030. Tiếp tục hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho chị em khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội; xây dựng phụ nữ Sơn La “Đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”.