Xây dựng phương án phòng chống thiên tai cụ thể, sát với thực tế
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo rà soát, kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm 2025, dự báo tổng lượng mưa năm ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với TBNN, cần đặc biệt đề phòng bão mạnh, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền gây thiệt hại, đặc biệt là khu vực ven biển.

Xây dựng phương án cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ảnh tư liệu.
Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia.
Đồng thời, rà soát, kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các cấp, các ngành để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai năm 2024, đề ra các giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ năm 2025 đạt hiệu quả cao; xây dựng, phê duyệt phương án cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch để đáp ứng kịp thời khi thiên tai xảy ra. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách của đơn vị, địa phương, huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình.
Tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình thủy lợi, đê điều, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính; Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị được giao quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều trên địa bàn tỉnh (UBND cấp huyện, chi cục thủy lợi, các công ty TNHH MTV thủy lợi, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, chủ các công trình thủy điện); chủ đầu tư các công trình thủy lợi, đê điều.
Chi tiết nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, đơn vị mời xem
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động trong ứng phó với thiên tai; chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống, bảo vệ tài sản của gia đình; tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở.