Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững

Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu Bảo tồn) đang kiến nghị triển khai nhiều dự án liên quan tới phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng…

Người dân sinh sống trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tham gia một hội thảo về đa dạng sinh học tại đây. Ảnh:L.Phương

Người dân sinh sống trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tham gia một hội thảo về đa dạng sinh học tại đây. Ảnh:L.Phương

Tuy nhiên, để các dự án có thể được triển khai theo đúng quy trình, quy định thì cần dựa trên phương án quản lý rừng bền vững để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình xây dựng các dự án liên quan đến Khu Bảo tồn.

* Nhiều dự án “chờ” phương án quy hoạch tổng thể

Hiện nay, Khu Bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên mà đơn vị được giao quản lý, bảo vệ là khoảng 100 ngàn ha. Trong đó, đất lâm nghiệp thuộc vùng lõi chiếm hơn 67 ngàn ha, hồ Trị An hơn 32,5 ngàn ha… Trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diện tích rừng, đất lâm nghiệp, đất ngập nước nội địa hồ Trị An và dân cư trong lâm phận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn, nhiều đề án liên quan đến Khu Bảo tồn vẫn đang “nằm chờ” hoặc cần có sự thống nhất trong quy hoạch phát triển, quản lý rừng. Đơn cử, đề án Phát triển du lịch Khu Bảo tồn đến năm 2030 hiện nay vẫn đang chờ UBND phê duyệt, chấp nhận chủ trương một số dự án liên quan như: Khu nuôi thú bán hoang dã (safari), Công viên thể thao hàng không Đồng Nai...

Ngoài ra, còn có dự án triển khai xây dựng tuyến đường dân sinh ven hồ Trị An, hoạt động phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và thực hiện dự án Vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ, dự án Đầu tư vùng đệm Khu Bảo tồn, kế hoạch trồng và khôi phục rừng giai đoạn 2020-2025... cũng đang chờ ý kiến, thẩm định từ các cơ quan quản lý.

Đại diện nhiều sở, ngành liên quan và UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, để thực hiện các đề án, dự án nói trên thì trước hết Khu Bảo tồn cần sớm xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 thì mới đúng quy định, thủ tục.

Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, các dự án về Khu nuôi thú bán hoang dã (safari), Công viên thể thao hàng không Đồng Nai… cần được nghiên cứu, thẩm định kỹ, đánh giá tác động từ môi trường… từ các sở, ngành liên quan, cũng như cần nằm trong quy hoạch tổng thể, phù hợp với các phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững của Khu Bảo tồn.

* Cần sớm hoàn thiện phương án

GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam nhận định, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, trong đó có phần lớn diện tích thuộc Khu Bảo tồn quản lý có nhiều điều kiện phù hợp để triển khai các dự án bảo vệ hệ sinh thái, có tiềm năng lớn cho việc cải thiện kết nối giữa các hệ sinh thái quan trọng, tiềm năng phát triển du lịch. Để quản lý, phát triển Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai bền vững cần có phương án tổng thể, lâu dài, đảm bảo các yếu tố liên quan để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh trong một lần về khảo sát thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hòa Đồng Nai. (Ảnh: Lam Phương)

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh trong một lần về khảo sát thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hòa Đồng Nai. (Ảnh: Lam Phương)

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh, nhiều dự án của Khu Bảo tồn muốn được phê duyệt, chấp nhận chủ trương đầu tư cần phải dựa trên phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của đơn vị.

Đây là nền tảng, kim chỉ nam để thực hiện quy hoạch các loại đất rừng, quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng… Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Khu Bảo tồn khẩn trương hoàn thiện, thẩm định phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 ở đơn vị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Khu Bảo tồn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng theo các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Trong đó, trong năm 2020, đơn vị cần phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN-PTNT hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững ở Khu Bảo tồn giai đoạn 2021-2030 theo đúng quy định, thủ tục... Từ đó, xem xét các dự án, đề án liên quan phù hợp với quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển bền vững của Khu Bảo tồn.

Tháng 10-2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Triển khai dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam tại Đồng Nai.

Mục tiêu của dự án là quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học đượ̣c lồng ghép hiệu quả vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương triển khai dự án.

Dự án sẽ tập trung vào các nội dung lồng ghép phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục lại các vùng sinh cảnh bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; điều tra, giám sát các loài động vật, thực vật đặc trưng, quý hiếm ở địa phương. Đồng thời, có giải pháp phát triển kinh tế bền vững cho người dân nằm trong vùng dự án, phát triển các loại hình du lịch thể hiện bản sắc địa phương gắn với bảo tồn đa dạng sinh học...

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/xay-dung-phuong-an-quan-ly-rung-ben-vung-2994872/