Xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Kinh nghiệm chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của nhiều kẻ thù hung bạo, cha ông ta luôn quan tâm xây dựng lực lượng quân sự, với quan điểm 'Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa' (quân cốt tinh, không cốt nhiều). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: 'Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một QĐND hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc'[1]. Thực hiện lời dặn của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các khí tài quân sự hiện đại được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: Minh Nguyễn

Các khí tài quân sự hiện đại được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: Minh Nguyễn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là chủ trương nhất quán, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, chia thành hai giai đoạn: 2021-2025 và 2025-2030. Trọng tâm của xây dựng Quân đội từ năm 2021 - 2025 là xây dựng tổ chức Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Quán triệt chủ trương trên, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết và kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW ngày 26/2/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo...

Với tinh thần thực hiện “3 đột phá” (đột phá về tổ chức, biên chế; đột phá về huấn luyện, đào tạo; đột phá về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và cải cách hành chính), về tổ chức, Bộ Quốc phòng tiến hành điều chỉnh tổ chức từ cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đến các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật. Điều chỉnh thế bố trí lực lượng để đáp ứng nhiệm vụ trên cả 5 môi trường tác chiến (trên không, trên bộ, trên biển, trên không gian mạng và điện từ). Trong đó, chú trọng vào giải thể, sáp nhập, điều chuyển một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; điều chỉnh và tổ chức lại các đơn vị thuộc khối quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng..., khối học viện, nhà trường, khối viện, trung tâm nghiên cứu, khối kho hậu cần - kỹ thuật, khối doanh nghiệp quốc phòng.

Về quân số, trên cơ sở thực hiện đúng quy định của Đảng về tổng quân số, tiến hành điều chỉnh cơ cấu quân số theo hướng nâng tỷ lệ thành phần hưởng lương để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Tính đến cuối tháng 4/2024, toàn quân đã điều chỉnh trên 2.700 tổ chức; xây dựng hơn 1.200 biểu tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn; rõ chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa yếu tố tổ chức, con người với vũ khí, trang bị kỹ thuật và công tác bảo đảm. Riêng các đơn vị thành lập mới và lực lượng làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo được điều chỉnh quân số theo hướng tăng cường và tiếp tục bổ sung vũ khí, trang bị mới.

Việc xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân đội, trước hết là nâng cao chất lượng về chính trị, bảo đảm cho Quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết tâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên.

Biên đội máy bay chiến đấu Su-30MK2 của QĐND Việt Nam bay biểu diễn tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: Bích Nguyên

Biên đội máy bay chiến đấu Su-30MK2 của QĐND Việt Nam bay biểu diễn tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo trong toàn quân tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp chỉ đạo, điều hành huấn luyện, diễn tập; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”; tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiên định chính sách quốc phòng “Bốn không” của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Từ đó, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn ra những biến động to lớn, khó đoán định. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) là dịp để toàn thể cán bộ, chiến sĩ ôn lại lịch sử hào hùng, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội ta. Từ đó, khơi dậy và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chung sức, đồng lòng “xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tinh, gọn, mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay”.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.585.

Nguyên Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-qdnd-viet-nam-tinh-gon-manh-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-post484867.html