Xây dựng Quảng Ninh là trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cùng những chính sách phát triển đặc thù dành riêng cho ngành công nghiệp không khói, trong những năm qua ngành Du lịch Quảng Ninh có bước chuyển mình mạnh mẽ, với khả năng cạnh tranh, bứt tốc cao, khẳng định thương hiệu điểm đến đầy thu hút. Đây là động lực để Quảng Ninh vươn tầm, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế hàng đầu trong thời gian tới.
Định vị tiềm năng, phát huy lợi thế
Trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới (trung tâm du lịch quốc tế) là địa điểm trung gian, hoặc cầu nối giữa thị trường nguồn và điểm đến, phục vụ cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây cũng là thuật ngữ dùng để mô tả một điểm đến thu hút một lượng lớn du khách từ các quốc gia và khu vực khác nhau; cung cấp nhiều điểm tham quan, dịch vụ, cơ sở vật chất và trải nghiệm phục vụ cho nhu cầu, sở thích đa dạng của khách du lịch.
Để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới cần hội tụ các điều kiện về vị trí địa lý, địa kinh tế, chính trị, đối ngoại thuận lợi cho việc kết nối khu vực và quốc tế; có vị trí thuận lợi trong liên kết kinh tế vùng kinh tế trọng điểm, có sân bay, cửa khẩu, cảng biển quốc tế; lượng khách quốc tế ổn định để có thể cung cấp cho các điểm đến trong nước hoặc quốc tế. Bên cạnh đó, cần đảm bảo môi trường chính trị - xã hội ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn; có cơ chế chính sách đặc thù trong việc phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào du lịch; cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ; xây dựng được thương hiệu điểm đến nổi bật mang tầm quốc tế…
Theo đánh giá của các chuyên gia, Quảng Ninh sở hữu những tiềm năng và điều kiện nổi bật để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Với lợi thế vị trí địa lý, địa kinh tế, có tiềm năng lợi thế tài nguyên, hạ tầng nổi trội và quá trình phát triển du lịch vừa qua đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và được biết đến rộng rãi trên thế giới.
Những năm qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có sự bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2011-2019 ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng về lượng khách du lịch đến Quảng Ninh. Tốc độ tăng trưởng của khách du lịch đến Quảng Ninh hằng năm đạt khoảng 10,2%; trong đó khách quốc tế đạt 17,9%, khách nội địa đạt 8,2%. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, giai đoạn 2022-2023, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt (tăng 164,6% so với năm 2021), trong đó khách quốc tế đạt 304.000 lượt. Năm 2023, tổng khách du lịch đạt 15,5 triệu lượt (tăng 11% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt.
So sánh với một số địa phương phát triển du lịch trong nước cho thấy, Quảng Ninh là một trong số những địa phương thu hút khách du lịch quốc tế nằm ở tốp đầu, với 5,8 triệu lượt, sau TP Hồ Chí Minh (8,6 triệu lượt) và Hà Nội (7 triệu lượt), nhưng cao hơn rất nhiều so với Hải Phòng (1 triệu lượt). Khách quốc tế đến Quảng Ninh chiếm khoảng 30% số lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này cho thấy rõ vai trò của Quảng Ninh trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tương quan trong khu vực, năm 2019 Quảng Ninh nằm ở nhóm giữa trong khả năng thu hút khách quốc tế với 5,8 triệu lượt khách, bỏ xa một số tỉnh/thành trong khu vực như Boracay (Philippines) 1 triệu lượt và Jeju (Hàn Quốc) 4 triệu lượt nhưng vẫn còn kém so với Phuket (Thái Lan) 9,5 triệu và Bali (Indonesia) là 6,3 triệu.
Hiện Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Trong đó, có 2 điều kiện (17%) hoàn toàn đáp ứng; 3 điều kiện (25%) cơ bản đáp ứng; 6 điều kiện (50%) đáp ứng một phần và 1 điều kiện (8%) là nơi gặp gỡ, gửi khách của các thương hiệu du lịch lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia về du lịch hoặc có liên quan đến du lịch là chưa đáp ứng được.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL) đưa ra quan điểm: Để thực sự trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm để lấp đầy việc đáp ứng các điều kiện nêu trên. Điều đó đòi hỏi Quảng Ninh phải nhận diện rõ những lợi thế nổi bật khác biệt, độc đáo của tỉnh, cũng như những cơ hội mà tỉnh cần tranh thủ tốt để biến lợi thế, cơ hội đó thực sự trở thành nguồn lực lớn cho phát triển nhanh và bứt phá của du lịch Quảng Ninh. Đặc biệt, cần khai thác tốt các hành lang kinh tế để tăng cường kết nối với các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi Bắc Bộ và thị trường Trung Quốc, phát huy tốt vai trò cửa mở kết nối thị trường Trung Quốc với thị trường ASEAN và ngược lại. Quảng Ninh cũng phải nhận diện thật rõ những hạn chế, điểm nghẽn đối với việc phát triển du lịch để điều chỉnh, khắc phục kịp thời.
Đưa du lịch vươn tầm quốc tế
Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa ra mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hóa với những khu nghỉ dưỡng cao cấp có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao; liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Đây là mục tiêu rất lớn, thể hiện vai trò quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy liên kết quốc tế và khu vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xây dựng Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Mục tiêu của đề án là xác định được định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.
Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón khoảng 18-20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11-12%. Đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 8,7 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 15-16%.
Đề án được xây dựng tập trung với các nội dung chính: Nghiên cứu các điều kiện về trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; đánh giá thực trạng và khả năng đáp ứng các điều kiện để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; đề xuất các định hướng, giải pháp để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới, như: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách; ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch; liên kết hợp tác phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá điểm đến và marketing toàn diện; xây dựng, định vị thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tạo dựng môi trường điểm đến văn minh, đồng bộ...
Cục phó Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định: Quảng Ninh tiên phong xây dựng Đề án phát triển du lịch để trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế với mục tiêu cụ thể, cho thấy khát vọng lớn của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự quyết tâm, kiên trì theo đuổi và có sự đồng bộ vào cuộc của cả Trung ương và địa phương, của các ngành, đặc biệt là vai trò chủ trì của tỉnh.
Thực tế, ngành du lịch đã và đang chú trọng liên kết, mở rộng hợp tác phát triển. Trong đó, xây dựng các gói sản phẩm liên vùng, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đa dạng và hạ tầng giao thông đồng bộ, sẵn có. Thời gian qua, Quảng Ninh đã liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Ninh Bình, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và những địa phương phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch cũng tích cực triển khai đa dạng các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch, như: Hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với 3 tỉnh Bắc Lào; tổ chức hội nghị trực tuyến về du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); làm việc với đối tác giải đua thuyền buồm Clipper, triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Liên minh du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF)... Bên cạnh các thị trường truyền thống, như khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Quảng Ninh cũng quan tâm và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để khai thác, đón các dòng khách Ấn Độ, Hồi giáo. Nhiều đoàn famtrip của Ấn Độ đã đến Quảng Ninh để khảo sát cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch và đưa ra những nhận định khả quan về việc đưa khách đến đây.
Không chỉ liên kết du lịch giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cũng chủ động hợp tác với nhau để tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó tạo gói chất lượng cao với mức giá hấp dẫn. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh, ngành du lịch Quảng Ninh tiếp tục chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách mùa thu đông. Quảng Ninh sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố, là đầu mối kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; ngày hội du lịch.
Ðồng thời, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, như Ðà Nẵng, Phú Quốc và các thị trường nước ngoài như khu vực Ðông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản... để từng bước hoàn thiện các điều kiện, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế theo đúng mục tiêu đề ra.