Xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung: Tất cả đã sẵn sàng
Năm 2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, đồng thời triển khai nhiều dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm và tiến tới mục tiêu phát triển mạnh về kinh tế biển.
Tiềm năng và lợi thế vượt trội của Quảng Trị
Năm 2022, nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị được đánh giá là đã phục hồi tích cực và có nhiều điểm sáng, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Năm 2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung; triển khai nhiều dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm.
Nhìn vào lợi thế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng bày tỏ, với vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.
Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây được Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để tỉnh Quảng Trị mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và các nước trong khu vực.
Những năm gần đây, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như toàn cầu, Chính phủ đã kịp thời, nhạy bén ban hành nhiều quyết sách, chủ trương nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo.
“Đây chính là cơ hội và bước ngoặt để tỉnh Quảng Trị nhận diện rõ hơn về tiềm năng, lợi thế vượt trội của mình”, ông Võ Văn Hưng cho biết.
Lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận, Quảng Trị xưa nay vốn là một vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với “nắng to, gió lớn”, đây đã từng được coi là bất lợi đối với phát triển kinh tế của tỉnh trong một thời gian dài, nhưng nay đã trở thành “nguyên liệu đầu vào” rất quý để sản xuất ra một sản lượng điện năng lớn, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió, điện khí ngoài khơi. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn có đủ những điều kiện thuận lợi để tiếp cận và đón nhận nguồn tài nguyên có tiềm năng lớn từ các mỏ khí ngoài khơi như Kèn Bầu, Báo Vàng...
Tất cả tài nguyên đó cho phép Quảng Trị cung cấp đủ nguyên liệu đầu vào cho hàng loạt dự án điện hiện nay và tương lai, tạo cơ sở vững chắc cho việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình ủng hộ tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ.
“Đây không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế - xã hội thuần túy, mà còn là một phần hoài bão, ước mơ cháy bỏng của đất và người Quảng Trị trên con đường xây dựng thành trì thịnh vượng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ.
Cụ thế hóa lộ trình xây dựng Trung tâm năng lượng miền Trung
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, để hình dung được một lộ trình biến “vùng đất thép nở hoa”, thời gian qua, bằng cả sự quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà đầu tư, đối tác… đến nay, tỉnh Quảng Trị đã xác lập được lộ trình thực hiện chủ trương xây dựng Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung một cách bài bản, khoa học và có thể đoán định được.
Hơn thế, trong bối cảnh chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, bước đầu Quảng Trị đã ghi dấu với đà tăng trưởng trong lĩnh vực điện năng. Cụ thể, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5 MW (chưa bao gồm khoảng 100 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, 1 dự án điện khí LNG 1.500 MW, 1 dự án điện khí 340 MW và gần 100 MW đến từ các dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai đầu tư.
Mạnh bạo hơn, tỉnh này cũng đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, hơn 2.000 MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500 MW các dự án điện khí…
“Từ những tiềm năng cùng quyết tâm chính trị và kết quả bước đầu, có thể nói mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung là hoàn toàn có cơ sở khoa học, thực tiễn và là hướng đi đúng, trúng, tạo ra bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận định.
Hơn thế, thời gian qua, Quảng Trị cũng có nhiều chiến lược kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn; tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện…; Đồng thời, tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải kết nối trong nước và các nước lân cận nhằm phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000 MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500 MW giai đoạn đến năm 2030.
“Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Quảng Trị đã có những kiến nghị Chính phủ và Bộ ngành Trung ương về việc bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch Phát triển điện lực.
Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Do vậy, trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần xem xét, bổ sung Đề án xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng miền Trung”, lãnh đạo Quảng Trị đề xuất.
Quảng Trị cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó quan tâm đưa các dự án điện gió khu vực Tây Quảng Trị với quy mô công suất từ 1.800 - 2.700 MW và thủy điện tích năng tỉnh Quảng Trị với quy mô công suất 1.200 -2.000 MW vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, đồng bộ với tiến độ đầu tư Dự án Đường dây và trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa như Dự thảo quy hoạch.
Quan tâm, đưa các dự án Nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320 MW, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I - 1.500 MW vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030. Bên cạnh đó, sớm phê duyệt quy hoạch không gian biển, làm cơ sở cho ttriển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, nghiên cứu, đưa vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo điều kiện để sớm hình thành bến cảng hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu phục vụ cho các dự án điện khí, tổng kho khí phát triển phù hợp với Quy hoạch khí, Quy hoạch phát triển điện lực và Quy hoạch tổng thể về năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Kiến nghị Bộ Công thương xem xét, phê duyệt khung giá phát điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo đã có trong quy hoạch, đã ký hợp đồng mua bán điện, đang triển khai thi công hoặc đã thi công hoàn thành nhưng chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Chính phủ, các cấp bộ, ngành Trung ương quan tâm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo; quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện, trong đó, có tỉnh Quảng Trị…