Xây dựng quê hương Dầu Tiếng anh hùng giàu đẹp, văn minh
Đánh thức tiềm năng
Trước đây, Dầu Tiếng là huyện thuần nông với cây trồng chủ lực là cao su và chăn nuôi trang trại. Tuy nhiên, trong những năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, cộng với tập quán chăn nuôi truyền thống đã làm giảm hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương chuyển dịch nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Phát huy truyền thống cách mạng, bất khuất của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Dầu Tiếng đã vượt mọi khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong ảnh: Trung tâm huyện Dầu Tiếng hiện nay. Ảnh: Quốc Chiến.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch ngành nông nghiệp của huyện, nhiều nông dân đã tích cực hưởng ứng và quyết tâm làm giàu bằng nghề nông trên vùng đất Dầu Tiếng. Ông Tống Văn Hướng, ở xã Minh Hòa là một trong những người tiên phong đánh thức tiềm năng của địa phương. Ông cho biết khí hậu, thổ nhưỡng ở Minh Hòa nói riêng và Dầu Tiếng nói chung rất thích hợp để phát triển cây có múi như cam, quýt, bưởi.., những loại trái cây có giá trị kinh tế cao.
Sau thời gian được tập huấn và mày mò nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nhiều nơi, ông Hướng quyết định đầu tư trồng cây có múi. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay ông Hướng đã xây dựng được trang trại cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh cây trồng, ông Hướng còn đầu tư phát triển chăn nuôi với mô hình chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh. Ông cho biết đây là cách tăng thu nhập, đồng thời tạo nguồn phân bón cho cây trồng, bảo đảm yếu tố sạch và tiết kiệm chi phí. Với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đến nay ông có thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp.
Từ Nghị quyết của Đảng bộ huyện, trong những năm qua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cây ăn quả, mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có trên 200 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 70%; một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện dự án trồng chuối cấy mô xuất khẩu, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, huyện Dầu Tiếng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối của địa phương. Trong ảnh: Dự án đường và đường kết nối hai tỉnh Bình Dương – Tây Ninh qua huyện Dầu Tiếng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Trí Dũng.
Huyện cũng đang lập thủ tục đầu tư trồng 2.300 ha cây có múi ứng dụng công nghệ cao ở xã Long Hòa. Bên cạnh các mô hình trồng cây có múi ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân trong huyện còn đầu tư trồng nấm, nuôi chim yến mang lại thu nhập ổn định.
Không những cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng còn chủ trương cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực để phát triển đô thị, dịch vụ trên địa bàn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến huyện đầu tư làm ăn, tạo sức bật cho công nghiệp huyện nhà phát triển.
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với tinh thần nỗ lực, phấn đấu chung của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, với những giải pháp tháo gỡ khó khăn đồng bộ, thực hiện quyết liệt nên huyện đã hoàn thành đa số các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với năm 2020; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
Toàn huyện hiện có 4 xã: Định Hiệp, Long Hòa, Thanh Tuyền và Định Thành đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và mới đây Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh đề nghị UBND tỉnh công nhận 3 xã: Định An, Minh Tân và Minh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm (2021 - 2025), trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như dự báo những khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 14,3%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 20%. Đến cuối năm, trong cơ cấu kinh tế của huyện, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 48,66%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng...
Để thực hiện mục tiêu nói trên, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai Đề án thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp – nông dân - nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025; cùng với đó hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, phát triển dịch vụ cảng trên sông Sài Gòn; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp An Lập và Long Tân. Đồng thời, huyện tiếp tục lập thủ tục đưa các khu, cụm công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030.
Hiện nay, huyện đã hoàn thành phương án phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; xây dựng, phát triển huyện trở thành thị xã.
Theo UBND huyện, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được ban hành, huyện sẽ tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời tuyên truyền tới nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Trước mắt, huyện sẽ lựa chọn những vấn đề cấp bách, thiết thực có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, huyện sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Với tầm nhìn xa, khát vọng lớn cùng truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, tin tưởng rằng huyện Dầu Tiếng sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, đưa huyện nhà phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh trong thời gian tới.
Cách đây 47 năm, vào sáng ngày 13-3-1975, quân và dân Dầu Tiếng phối hợp với các lực lượng Sư đoàn 9 và các đơn vị bộ đội chủ lực đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Bến Củi (xã Thanh An), sân bay, đồn tam giác, chốt vườn Chuối, ngã ba Ba Rắc, cầu Tàu,… Sau những đợt pháo 130 ly bắn cấp tập vào các vị trí quân sự còn lại của địch trong chi khu, các cánh quân của Sư đoàn 9 nhanh chóng chiếm giữ các vị trí trọng yếu trong thị trấn. Đúng 10 giờ sáng ngày 13-3-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đã tung bay trên nóc Dinh quận trưởng Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi này đã chặt đứt một mắt xích xung yếu nhất trong tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc - Tây Bắc Sài Gòn và mở rộng vùng giải phóng của tỉnh Thủ Dầu Một.
Việc giải phóng Dầu Tiếng đã mở ra một hệ thống căn cứ liên hoàn từ cực Nam Trung bộ đến Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên, Chiến khu Dương Minh Châu và Bắc Củ Chi, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực, các binh chủng chuyển quân tập kết tiến về giải phóng Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.