Xây dựng quê hương Nghĩa Hành ngày càng giàu đẹp

Gần 90 năm trước, ngày 6.2.1931, Huyện ủy Nghĩa Hành đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc biểu tình để chiếm huyện đường Nghĩa Hành...Xếp hạng di tích cấp tỉnh

Mốc son chói lọi

Theo sách Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hành, ngày 28.1.1931, Huyện ủy Nghĩa Hành dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hoàng đã họp tại nhà đồng chí Trần Nghinh, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình quy mô toàn huyện... Để cuộc biểu tình diễn ra được thắng lợi, Huyện ủy Nghĩa Hành thành lập 7 đội Xích vệ, mỗi đội gồm 20 người được trang bị vũ khí thô sơ và bố trí tại các nơi hiểm yếu, như: Đèo Eo Gió, đèo Quán Thơm (Hành Thịnh), đèo Đá Bàn (Hành Phước) và đường đi phủ Tư Nghĩa, Chợ Chùa, cầu Cây Bứa... để ngăn địch từ tỉnh và các huyện khác vào đàn áp cuộc biểu tình.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức (bìa trái) trao Bằng công nhận di tích cấp tỉnh đối với Di tích Cuộc biểu tình Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ, xã Hành Đức (Nghĩa Hành).

Ngày 5.2.1931, Huyện ủy Nghĩa Hành truyền lệnh khởi sự biểu tình trên toàn huyện. 18 giờ cùng ngày, đồng bào các xã nhất tề nổi trống mõ, tù và, đèn đuốc sáng rực xuống đường theo đội ngũ đã được bố trí trước. 2 giờ sáng ngày 6.2.1931, đoàn biểu tình gần 2.000 người ở cánh đông bắc (nhân dân các xã Hành Phước, Hành Thịnh, Hành Trung, Hành Đức) tập trung tại gò Nghĩa Lũng, làng Kỳ Thọ (Hành Đức) tổ chức cuộc mít tinh. Đồng chí Lê Hồ- Bí thư Chi bộ thôn Hòa Vinh (Hành Phước) kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giành tự do, độc lập... Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, địch điều lính từ TX.Quảng Ngãi đi vào phủ Tư Nghĩa đến làng Hiệp Phổ (Hành Trung), sau đó đến Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ đàn áp và sát hại 17 đồng bào trong đoàn biểu tình; đồng thời vây bắt nhiều người đưa về đình An Ba (Hành Thịnh) đánh và sát hại.

Cuộc biểu tình Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ không tránh khỏi những tổn thất, nhưng đã ghi một mốc son chói lọi vào trang sử đấu tranh của nhân dân huyện Nghĩa Hành, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Nghĩa Hành khi mới thành lập. Đó là sự sáng suốt, kiên quyết, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng của quần chúng nhân dân, đã tạo nên sức mạnh cho thắng lợi trong các phong trào đấu tranh sau này.

Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Tiếp nối tinh thần Cuộc biểu tình Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ, nhân dân huyện Nghĩa Hành đã một lòng theo Đảng, đóng góp sức người sức của, góp phần hoàn thành sứ mệnh giành lại độc lập, tự do cho quê hương, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ kiến thiết quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

“Thành tựu lớn nhất của địa phương, chính là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng, phát triển sản xuất... và được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh”, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết.

Tại xã Hành Đức, “cái nôi” và là nơi địch đàn áp Cuộc biểu tình Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM. “Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 41,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định... Đây là kết quả từ sự đoàn kết, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã”, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải cho biết.

Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân huyện Nghĩa Hành nói chung, xã Hành Đức nói riêng tiếp tục chung sức xây dựng quê hương, phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trước năm 2025.

Cùng với công tác khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn, huyện Nghĩa Hành cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa lịch sử của di tích Cuộc biểu tình Nghĩa Lũng - Kỳ Thọ. Trong đó, khuyến khích lồng ghép tổ chức những hoạt động về nguồn đối với các cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, các trường học ở địa phương, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương đối với cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202102/ky-niem-90-nam-cuoc-bieu-tinh-nghia-lung-ky-tho-xay-dung-que-huong-nghia-hanh-ngay-cang-giau-dep-3042958/