Xây dựng quy chế 'lấp' khoảng trống pháp lý về ứng phó sự cố chất thải
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quy chế ứng phó sự cố chất thải, trình Thủ tướng Chính phủ, để 'lấp' khoảng trống gây ra sự cố chất thải.
Trước sức ép từ hàng loạt những sự cố chất thải xảy ra trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quy chế ứng phó sự cố chất thải, trình Thủ tướng Chính phủ, để quy định rõ quy trình và cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý của từng cơ quan, đơn vị.
Quy chế này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để “lấp” những khoảng trống bất cập trong công tác quản lý, khi các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong việc ứng phó sự cố chất thải.
Nhận diện khoảng trống để “lọt” sự cố
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây, Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về ứng phó sự cố môi trường cũng như xây dựng lực lượng ứng phó, xác định thiệt hại, trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, các quy định ứng phó sự cố môi trường mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy trình cụ thể, chưa rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong ứng phó từng loại sự cố môi trường, trong đó có sự cố chất thải.
Theo đó, mỗi loại sự cố môi trường cơ bản đều có quy định, quy chế ứng phó riêng như sự cố tràn dầu, sự cố cháy nổ, sự cố hóa chất độc, sự cố bức xạ. Riêng sự cố chất thải lại chưa có quy chế, quy trình ứng phó trên thực tế.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều sự cố môi trường biển do chất thải gây ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình là sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 và gần đây là sự cố đổ chất thải vào nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà gây khủng hoảng nước sạch tại Hà Nội.
Qua thực tiễn ứng phó sự cố môi trường cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, các cấp chính quyền địa phương rất lúng túng, khó khăn trong ứng phó sự cố chất thải.
[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Đã xác định được hướng đi bảo vệ môi trường”]
Nguyên nhân chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra là do thiếu quy định cụ thể về quy 2 trình ứng phó và trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố cả ở cấp quốc gia và địa phương; năng lực ứng phó sự cố môi trường ở cấp địa phương còn bất cập; cơ chế và trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố môi trường chưa rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan, giữa trung ương và địa phương.
Ngoài ra, việc thiếu cơ chế cụ thể về huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường cũng là nguyên nhân khiến việc ứng phó sự cố chất thải trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.
Làm rõ cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý
Để lấp khoảng trống pháp lý về ứng phó sự cố chất thải nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được giao chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường (sự cố chất thải).
Theo đó, dự thảo Quy chế này quy định rõ quy trình và cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong ứng phó sự cố chất thải trên cơ sở các quy định nguyên tắc được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng làm rõ cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý - nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố và những người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc ứng phó, giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường do sự cố chất thải.
Dự thảo Quy chế cũng quy định rõ phân loại sự cố và trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tương ứng với từng loại sự cố.
Dự thảo Quy chế cũng quy định rõ người chỉ đạo ứng phó sự cố, người chỉ huy ứng phó sự cố, người phát ngôn về sự cố chất thải; quy định rõ trách nhiệm chủ trì của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, cơ quan tài nguyên môi trường các cấp theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” trong ứng phó sự cố chất thải.
Về quy trình ứng phó sự cố theo các bước công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo 3 bước công việc gồm: Chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm rõ trách nhiệm thông báo, cung cấp, công bố thông tin về sự cố và thực hiện công tác truyền thông về sự cố theo hướng quy định việc cung cấp thông tin về sự cố chỉ được thực hiện thông qua người phát ngôn chính thức để bảo đảm tính thống nhất, chính xác và tránh việc thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Dự thảo Quy chế cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến ứng phó và cải tạo, phục hồi môi trường cho Nhà nước...
Trong thời gian tới, để thống nhất các quy định pháp luật khác nhau về ứng phó các sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất các quy định điều chỉnh tổng thể, bao quát về ứng phó sự cố môi trường trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường./.