Xây dựng quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Thông tư nêu rõ, công tác thực tế là việc nhà giáo các cơ sở giáo dục trong CAND đến Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức ngoài lực lượng CAND có liên quan để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Về nguyên tắc thực hiện công tác thực tế, dự thảo Thông tư quy định: Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục trong CAND.
Không bố trí, sử dụng nhà giáo đi thực tế trái với địa bàn, mục đích, nội dung kế hoạch đi thực tế.
Nhà giáo phải bảo đảm thời gian đi thực tế đối với từng chức danh quy định tại Điều 6 của Thông tư này. Ngoài quy định bắt buộc về thời gian đi thực tế, khuyến khích nhà giáo tích cực, chủ động đăng ký đi thực tế để bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác, kiến thức chuyên môn.
Thời gian đi thực tế không được tính để thay thế thời gian luân chuyển.
Cũng theo dự thảo, nội dung công tác thực tế của nhà giáo bao gồm: Trực tiếp tham gia các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các quy trình công tác chuyên môn có liên quan đến chuyên ngành, môn học được giao giảng dạy.
Nghiên cứu, điều tra khảo sát, thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực giảng dạy tại địa bàn thực tế để phục vụ hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học hoặc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn học viên hoạt động thực tập tốt nghiệp tại Công an các đơn vị, địa phương (nếu có).
Tham gia tổng kết chuyên đề, nghiên cứu đề tài, nhiệm vụ khoa học theo kế hoạch của Bộ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục trong CAND với Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức, đơn vị ngoài lực lượng CAND.
Về thời gian đi thực tế, dự thảo nêu rõ: Nhà giáo phải bảo đảm thời gian đi thực tế đối với từng chức danh quy định. Ngoài quy định bắt buộc về thời gian đi thực tế, khuyến khích nhà giáo tích cực, chủ động đăng ký đi thực tế để bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác, kiến thức chuyên môn.
Về thời gian đi thực tế, theo dự thảo Thông tư: Đối với người tập sự trước khi được bổ nhiệm chức danh giảng dạy đi thực tế một lần, thời gian ít nhất 4 tháng.
Đối với trợ giảng, giáo viên trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 6 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 3 tháng.
Đối với giảng viên, giáo viên chính trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 8 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 4 tháng.
Đối với giảng viên chính, giáo viên cao cấp phải đi thực tế 2 năm một lần, thời gian mỗi lần ít nhất là 2 tháng.
Nhà giáo sau khi đã hoàn thành thời gian đi thực tế theo quy định, nếu hết thời gian đảm nhiệm chức danh tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 50/2016/TT-BCA ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy ở các trường trong CAND mà chưa được bổ nhiệm chức danh giảng dạy cao hơn thì phải duy trì đi thực tế 2 năm một lần, thời gian mỗi lần ít nhất là 2 tháng.
Trường hợp nhà giáo (có bằng tiến sĩ) được rút ngắn thời hạn đảm nhiệm chức danh thì thời gian đi thực tế tối thiểu trong thời hạn đảm nhiệm chức danh được giảm 1 tháng.
Địa bàn đi thực tế gồm: Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp huyện; Công an cấp xã; Các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học kỹ thuật, đơn vị vũ trang ngoài lực lượng CAND.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quy định: Nhà giáo vi phạm trong thời gian đi thực tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nhà giáo vi phạm trong thời gian đi thực tế do cơ sở giáo dục thực hiện; Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp cung cấp các thông tin liên quan.