Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm số ở khu vực miền Trung
Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số… là cơ hội để Thanh Hóa bứt phá trong thời gian tới
Sáng 19-10, tại tỉnh Thanh Hóa, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức "Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Trung".
Dự sự kiện này có Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan đơn vị, các nhà cung ứng dịch vụ CNTT…
Phát biểu khai mạc, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, cho biết xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đã tập trung vào một số nhiệm vụ chính trong thực hiện CĐS và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp DN đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và DN trong, ngoài tỉnh.
Về dữ liệu số, Thanh Hóa đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng dữ liệu mở của tỉnh, bước đầu đã cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu của cơ quan chính quyền tới DN và người dân.
Về chính quyền số, Thanh Hóa đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử trong 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã).
Với kinh tế số, bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của DN, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh.
Đến nay các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, TP lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu…
Cũng theo ông Liêm, hội thảo ngày hôm nay là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
"Đặc biệt chúng tôi mong muốn các tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông giới thiệu, chia sẻ các giải pháp hay, các ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung"- ông Liêm mong muốn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết trong những năm qua, Thanh Hóa đã có những bước tiến trong CĐS khi nằm trong top 15 của cả nước. Tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
"Đây là sự kiện để Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung đẩy mạnh việc gắn kết về chuyển đổi số, xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm số ở khu vực miền Trung. Bộ TT-TT cũng sẽ đồng hành đưa Thanh Hóa vào top 10 trong cả nước về các chỉ số trong môi trường số"- ông Dũng chia sẻ.
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận của các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý, các DN CNTT… phân tích, đánh giá, giới thiệu các sản phẩm công nghệ nhằm kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung.
Trong khuôn sổ Ngày CĐS Quốc gia 2023, sáng 19-10, lãnh đạo Bộ TT-TT, tỉnh Thanh Hóa đã đi tham quan các gian hàng tại "Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình CĐS, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin".
Khoảng 20 gian hàng của các DN CNTT tham gia trưng bày các sản phẩm, giải pháp CĐS; các mô hình, ứng dụng CĐS thành công của các tổ chức, tập đoàn, DN công nghệ số như: VNPT Thanh Hóa, Tổng Công ty MobiFone, Viettel Thanh Hóa, Công ty CP Misa…
Đồng thời, các lãnh đạo đã ấn nút khai trương ứng dụng chuyển đổi số Thanh Hóa-S và cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa; chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ CĐS trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Thanh Hóa.