Xây dựng thành phố học tập suốt đời
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị học tập, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu học tập mở để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những tiền đề quan trọng để UNESCO công nhận Thành phố Hồ Chí minh trở thành thành viên 'Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu'.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố phục vụ công tác phổ cập giáo dục-xóa mù chữ.
Hiện, tất cả các phường, xã, thị trấn của thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở để giữ vững tỷ lệ đạt chuẩn trong các năm qua.
Ngoài ra, mạng lưới cơ sở đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài cũng được Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đều khắp ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Qua đó, phát triển phong trào học tập suốt đời đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học… ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố học tập toàn cầu
Tháng 2 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Đây là niềm tự hào, và sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho người dân ở địa phương này.
Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời là cách hoàn thiện tri thức kỹ năng của bản thân để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trong học tập, trong công việc, để trở thành công dân học tập toàn cầu.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết và nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người dân.
Phát biểu tại lễ vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận thành viên Mạng lưới học tập toàn cầu, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đánh giá cao việc trở thành thành viên chính thức Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Và xem đây là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi.
Đồng thời, tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số.
Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của thành phố đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, với tư cách là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, địa phương này sẽ nỗ lực không ngừng để bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội học tập và phát triển; cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và xây dựng môi trường học tập tốt hơn cho tất cả mọi người.
Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu.
Không chỉ cùng nhau xây dựng một thành phố học tập, một cộng đồng học tập, một xã hội học tập, mà Thành phố Hồ Chí Minh và bạn bè trong hệ thống các thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu cùng đồng lòng, chung tay xây dựng một thế giới học tập, phát triển và bền vững.
Chỉ là điểm khởi đầu
Thành phố Hồ Chí Minh xác định danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được, mà còn là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo.
Cụ thể hóa chủ trương này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024-2030" trên địa bàn thành phố.
Mục đích của kế hoạch này là triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập theo tiêu chuẩn của UNESCO và phù hợp với điều kiện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ và huy động nguồn lực để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tầng lớp nhân dân.
Muốn kinh tế phát triển phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải có sách, phải đọc và có phương pháp đọc, phải học tập không ngừng và học tập thường xuyên.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Đồng thời, tạo sự tích cực hơn nữa trong việc tham dự, tổ chức các hoạt động quốc tế về xây dựng Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, bảo đảm triển khai các nội dung đã cam kết với UNESCO trong việc thực hiện các kế hoạch và tiêu chí trong hồ sơ đăng ký thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng triển khai đại học số, xây dựng học liệu số, quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng học tập.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình học tập: gia đình, cộng đồng, đơn vị học tập, cộng đồng học tập cấp xã, phường nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời; 100% quận, huyện, thành phố Thủ Đức đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
90% quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 100% quận, huyện, thành phố Thủ Đức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% công dân đạt danh hiệu công dân học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo.
Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
50% quận, huyện, thành phố Thủ Đức được công nhận danh hiệu quận, huyện, thành phố học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Hoàn thành 100% tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO và được đánh giá đạt.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học thành phố và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.
Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp và thực hiện báo cáo hằng năm về công tác xây dựng thành phố học tập, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-thanh-pho-hoc-tap-suot-doi-post847010.html