Xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị thông minh, sinh thái
Trong không khí tươi mới của ngày đầu xuân, chậm rãi đi trên những con đường thoáng đãng, cảm nhận bầu không khí trong lành, nhìn ngắm diện mạo khang trang của thành phố Hưng Yên có thể thấy nhiều đổi thay sau một năm nỗ lực xây dựng đô thị thông minh, sinh thái của thành phố.
Diện mạo đô thị thông minh, sinh thái đang dần hình thành trên thành phố Hưng Yên
Ngày 24/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu là xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại và văn hiến.
Thực hiện mục tiêu trên, thành phố Hưng Yên đã sớm bắt tay vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, mạng lưới internet trên địa bàn thành phố có thể kết nối đến 100% số hộ dân. Thành phố đã đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, đặt tại trụ sở HĐND, UBND thành phố với nhiều chức năng tiện ích như: Trung tâm Giám sát và điều hành giao thông, Trung tâm Giám sát điều hành an ninh công cộng, Trung tâm Giám sát phản ánh hiện trường, Trung tâm giám sát thông tin trên môi trường mạng, Trung tâm Giám sát điều hành y tế, Trung tâm giám sát điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội...
Bức tranh đô thị của thành phố Hưng Yên ngày càng đậm nét và giàu sức sống, nhất là khi xuân về, nhà cửa được tân trang, phố phường thêm sắc cờ, hoa rực rỡ. Đến nay, 2 phường của thành phố đã hoàn thành đô thị hóa, 5 phường đang trong quá trình đô thị hóa; thêm 3 xã đang phấn đấu trở thành phường; tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 52%. Các xã vùng ven của thành phố như: Bảo Khê, Liên Phương, Quảng Châu, Tân Hưng… cũng phát triển sầm uất, những “phố trong làng” sôi động, nhộn nhịp.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 11,5%. Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 98,8%, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 94%; gia đình văn hóa đạt 94,5%. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, thành phố huy động được trung bình 900 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đến nay có gần 100 dự án đầu tư vào địa bàn, với tổng vốn đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng. Xuân đất nước thắm tình dân tộc Tết quê hương đượm nghĩa đồng bào.
Không chỉ quan tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, mục tiêu của thành phố Hưng Yên là hướng đến đô thị sinh thái. Thành phố đang duy trì hơn 40ha diện tích công viên, vườn hoa, công trình công cộng có thảm hoa, cây xanh. Đây là những khoảng xanh giữa lòng phố thị. Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên thường xuyên phân công 80 lao động để chăm sóc vườn hoa, cây xanh cho thành phố. Các loại cây và hoa được trồng phù hợp, để quanh năm thành phố luôn có màu xanh cây lá, có hoa nở theo mùa, tạo cảnh quan đẹp mắt và không khí trong lành. Thành phố Hưng Yên luôn quan tâm cải tạo những khoảng xanh, đem thiên nhiên vào lòng phố. Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của thành phố Hưng Yên, thành phố quy hoạch hơn 26ha cho đất khu vui chơi giải trí và công viên; gần 20ha cho hồ điều hòa.
Theo Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP của thành phố khoảng 10,5/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trung bình trên 8%/năm; tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 59%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; thêm 5 xã lên phường. Đến năm 2030, đạt trên 50% các tiêu chí của đô thị loại I; hoàn thành dự án Khu đại học Phố Hiến; nâng cấp các xã còn lại lên phường; tăng trưởng GRDP đạt 11,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 70%. Đến trước năm 2035, thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại I, là thành phố du lịch văn hóa, có hệ sinh thái đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đến năm 2045, thành phố Hưng Yên trở thành thành phố sinh thái, thông minh, văn hiến và giàu đẹp.
Đồng chí Doãn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Những năm tiếp theo, thành phố tập trung xây dựng theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và theo xu thế hệ sinh thái đô thị thông minh; rà soát thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trọng điểm, khả thi theo định hướng và quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, trong đó thương mại - dịch vụ là mũi nhọn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất đai, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân…