Xây dựng thành phố Kon Tum phát triển toàn diện, bền vững, giàu bản sắc
Trong hành trình phát triển, Đảng bộ TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum phát huy truyền thống đoàn kết, huy động nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, ý chí và khát vọng vươn lên, giành được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo, tinh thần quyết tâm, sáng tạo, lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo; hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, giàu bản sắc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban.
Những bước tiến vững chắc
Những ai đến TP. Kon Tum những năm gần đây đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Đặc biệt là kinh tế giữ đà tăng trưởng và đô thị khởi sắc rõ nét. Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025). Với sự đoàn kết, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, khơi thông nguồn lực, thành phố đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Dấu ấn đậm nét là tổ chức triển khai phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giành nhiều thành quả tích cực. Tiêu biểu trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,95%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Chế độ, chính sách, an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,34%; hộ cận nghèo còn 2,13%; có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.
Hiện nay, TP. Kon Tum đang mở rộng các cụm công nghiệp nhằm đột phá phát triển kinh tế. Ngoài 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã hoạt động là: Làng nghề H’Nor, phường Lê Lợi; Thanh Trung, phường Ngô Mây và xã Hòa Bình, thành phố tiếp tục đầu tư cụm công nghiệp mới tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm với diện tích trên 62ha. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại xã Hòa Bình và xã Ia Chim với diện tích 570ha (giai đoạn 2021-2030).
Kon Tum đang được đánh giá là thành phố có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn. Với những ưu đãi lớn, mặt bằng sạch, thủ tục cắt giảm; luôn sẵn sàng hợp tác, “trải thảm”, gọi mời các nhà đầu tư. Hằng tháng, chính quyền đều tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư, hỗ trợ khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện nhanh các thủ tục, đăng ký kinh doanh… Năm 2022, thành phố có 7 dự án đầu tư mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 138,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 231,544 tỷ đồng. Đó là dự án khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại thôn Kon Gur, xã Đăk Blà; dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 2, xã Hòa Bình; dự án nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Đồng thời, có 3 dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư là: dự án xây dựng và vận hành dây chuyền mẫu sản xuất, chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ cao; dự án cửa hàng xăng dầu Quang Thành và dự án cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao.
Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển, quy hoạch, chỉnh trang đô thị được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm như: Chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh và hệ thống điện đường Bà Triệu (đoạn Hoàng Thị Loan - Nguyễn Viết Xuân); đường Trần Phú (đoạn Trường Chinh - Nguyễn Huệ); đường Lê Hồng Phong (đoạn Trường Chinh - Bạch Đằng); ban hành Nghị quyết về xây dựng xã Đăk Cấm, xã Vinh Quang đạt tiêu chuẩn phường, tiếp tục hoàn chỉnh Đề án “Giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn. Đặc biệt, ngày 10-01-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg “Công nhận TP. Kon Tum là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Kon Tum”.
Có thể khẳng định, TP. Kon Tum đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng hiện đại. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư khá đồng bộ. Không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao, công tác quy hoạch được xem trọng với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết so với quy hoạch chung chiếm 80% diện tích đất xây dựng đô thị; vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp, hệ thống cây xanh, thoát nước, điện chiếu sáng được quan tâm đầu tư đồng bộ, khang trang, người dân được hưởng lợi thành quả từ sự quyết tâm và tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, thân thiện, nghĩa tình
Với khát vọng vươn lên, hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung của khu vực và cả nước, TP. Kon Tum tập trung xây dựng đô thị phát triển hài hòa, đồng bộ, khơi dậy các nguồn lực, tiềm năng, tháo gỡ những “điểm nghẽn’ để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững; chọn đúng hướng đi, tìm rõ cách làm để tăng trưởng, tạo đà, bứt tốc. Đảng bộ và nhân dân thành phố đang dốc sức, đồng lòng, với quyết tâm chính trị cao, xây dựng TP. Kon Tum phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện, nghĩa tình.
Trong thời gian tới, TP. Kon Tum sẽ có nhiều chủ trương mới, tập trung xây dựng phát triển hạ tầng; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị và mở rộng không gian phát triển; mở rộng các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân.
Tập trung hoàn thiện Khu đô thị phía Bắc phường Duy Tân; Khu dân cư đô thị phường Ngô Mây; dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu đô thị mới tại khu vực sân bay cũ thuộc phường Thắng Lợi. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ và cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, các khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng ven trục quốc lộ, tỉnh lộ, ven sông Đăk Bla, bao gồm một số dự án như: Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum; Tổ hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum; Khu đô thị sinh thái - du lịch gắn với công viên phía Bắc Kon Tum; Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum...
Một trong những chủ trương, nhiệm vụ mang tính lâu dài, căn cơ được TP. Kon Tum xác định là phát triển du lịch - thương mại - dịch vụ. Trong đó có phương án phát triển kinh tế đêm, trước mắt thực hiện tại các tuyến đường dọc sông Đăk Bla. Khai thác hiệu quả tiềm năng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng, dã ngoại trên cơ sở khai thác tiềm năng thiên nhiên, sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc bản địa để tạo điểm khác biệt. Tiếp tục củng cố và phát triển Làng du lịch cộng đồng Kon Kơtu, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa; xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại làng Măng La, xã Ngok Bay; làng Wer, xã Ia Chim... Đẩy mạnh các hoạt động, quảng bá xúc tiến du lịch, mở rộng mạng lưới kết nối phát triển các tour, tuyến du lịch; chú trọng sản phẩm kết nối khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch giữa Kon Tum với thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông và các điểm đến du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Ưu tiên 5 giải pháp đột phá
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII đề ra, từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; phát huy ý chí tự lực, tự cường, triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với lộ trình thích hợp, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi. Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025); qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng thành phố gắn với phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng, phát triển; tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị .
Hai là, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Tăng cường xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư; mở rộng các hình thức đầu tư; phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, thu hút vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Tăng cường khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, kết hợp chỉnh trang các công trình hiện có và đầu tư xây dựng mới bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có tầm chiến lược; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các công trình phúc lợi công cộng; chú trọng công tác quy hoạch kiến trúc, xây dựng cảnh quan môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp.
Ba là, chú trọng phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, bền vững, nâng cao giá trị và thu nhập. Tập trung ưu tiên nguồn lực để xây dựng các xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, y tế; đầu tư nâng cấp các trạm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; quan tâm giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, các chế độ, chính sách đối với người có công; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch phát triển đô thị. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, xây dựng mạng lưới cấp nước máy đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, cải tạo hệ thống thoát nước hiện có, xử lý các điểm ngập úng cục bộ bảo đảm tiêu thoát tốt trong mùa mưa bão. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin, viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh .
Năm là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vững mạnh toàn diện; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò vận động quần chúng và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội thuận lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi thông, tháo gỡ các nút thắt “điểm nghẽn”, phấn đấu xây dựng TP. Kon Tum phát triển toàn diện, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Kon Tum.