Xây dựng thành phố Pleiku xứng đáng là trung tâm của 'tam giác phát triển' ở Tây Nguyên
Đi lên trong bộn bề thiếu thốn, trải qua không ít khó khăn, thử thách, thành phố Pleiku (Gia Lai) đang trên đà phát triển và dần hình thành diện mạo, vóc dáng của tương lai.
Cùng với tập trung xây dựng đô thị loại 1, quan tâm phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực gắn với chung tay xây dựng nông thôn mới sẽ tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị trí của thành phố ở trung tâm “tam giác phát triển” trong xu thế hội nhập và phát triển.
Cách đây 90 năm, ngày 3-12-1929, Khâm sứ Trung kỳ đã ban hành Nghị định thành lập thị xã Pleiku, một làng đồng bào dân tộc Giơ-rai. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời về mặt pháp lý của thị xã Pleiku xưa, nay là thành phố Pleiku. Với diện tích tự nhiên 26.076,85 ha, dân số 230.489 người, thành phố Pleiku hiện là trung tâm chính trị, kinh tế, dịch vụ và đầu mối giao thông của tỉnh Gia Lai, đồng thời cũng là cửa ngõ giao thông quan trọng liên thông giữa các nước Đông Dương với vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ (đường xuyên Á) và nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa của thành phố hiện nay khoảng gần 80%. Do vậy, Đảng bộ và chính quyền thành phố xác định công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo nên những đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Pleiku, Gia Lai cho biết: “Để thành phố Pleiku tiếp tục phát triển bền vững, hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng, chính quyền thành phố đã tiến hành triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung mọi nguồn lực ưu tiên để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các chỉ tiêu đã đạt và hoàn thành các tiêu chí đô thị theo định hướng đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nâng cao sự quan tâm và thu hút các nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh đối với sự phát triển của đô thị tạo sự tiện ích và nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp mở rộng kết nối các công trình giao thông đối nội đối ngoại song song với việc nâng cấp phát triển các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị tạo đà cho phát triển đô thị trong tương lai bền vững”.
Cùng với thời gian 90 năm hình thành và phát triển, đặc biệt 44 năm từ kể từ ngày thành phố Pleiku hoàn toàn giải phóng (17-3-1975/17-3-2019), phố núi Cao Nguyên đã đón nhận những thời cơ và vận hội mới, vươn lên một cách toàn diện và phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới. Sự phát triển cũng như những thành tựu mà phố núi Pleiku có được ngày hôm nay được hiện rõ từ nếp nghĩ, cách làm của lãnh đạo, đến từng người dân địa phương trong mọi việc lớn nhỏ, từ mỗi con đường, góc phố đến các công trình lớn đang ngày càng hoàn thiện vươn cao. Những thay đổi ấy được quân và dân các dân tộc sinh sống, công tác trên địa bàn ghi nhận từ chính niềm tự hào, cũng như sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo tỉnh, của Trung ương.
Hình thành, đi lên từ một làng dân tộc thiểu số, một thị xã nhỏ bé chưa mấy người biết, nay Pleiku đã trở thành một thành phố trung tâm, cửa ngõ giao thương của “tam giác phát triển” mang tầm cỡ của vùng trọng điểm kinh tế Tây Nguyên. Với những công trình lớn mang dấu ấn lịch sử, như Quảng trường Đoàn kết, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Quốc môn – cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Khu du lịch Biển Hồ, Đồng Xanh…hằng ngày có hàng triệu khách đến tìm hiểu, tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, Pleiku không ngừng kêu gọi đầu tư, mở rộng liên kết, phát triển một nền kinh tế đa dạng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tỉnh giao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân giai đoạn 2015 – 2019 đạt 10,82%/ năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 61,11 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá 2010) ước đạt 10,82%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ chiếm 50,96%; công nghiệp 44,11%; nông nghiệp 4,93%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,11 triệu đồng (khoảng 2.690 USD), gấp 4,37 lần so với năm 2007. Thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 12,47%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gấp 10 lần so với năm 2007. Các dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, tư vấn...tiếp tục được mở rộng về quy mô, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Công tác quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường được chú trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đô thị có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, chăm lo người nghèo được đảm bảo. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, phố núi Pleiku cũng ưu tiên đầu tư phát triển diện mạo đô thị để xứng tầm với vị trí của thành phố. Chỉ tính 5 năm qua, cùng với đầu tư của nhà nước, Pleiku đã chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ bản và triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Cấp nước, thoát nước, tuyến giao thông nội thị, làm vỉa hè, trồng cây xanh…nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các khu nội thành. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành nhiều đề án nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển như: Hoàn thành quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, hoàn chỉnh, phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc đô thị TP. Pleiku làm cơ sở xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ, có hiệu quả; triển khai lập quy hoạch 8 khu vực theo kế hoạch triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trên địa bàn, tạo ra mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế và xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục của thành phố Pleiku cũng có những bước tiến đáng kể, đặc biệt đối với bà con dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% làng đồng bào DTTS có sân tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng; 98,5% người đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất cho người đồng bào DTTS được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào DTTS dưới 2,0%.
Một trong những người có mặt tại Quảng trường Đoàn kết để xem những hình ảnh “Pleiku xưa và nay”, ông Trần Quang Khanh (75 tuổi) ở phường Hội Phú chia sẻ: Quê tôi ở Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nhưng gia đình lên lập nghiệp ở đây hơn 50 năm rồi. Trước năm 1975 ở đây chỉ là một thị xã nhỏ, những mái nhà tôn xiêu vẹo, chìm trong gió bụi, đi đến đâu đoạn đường nào cũng thấy lính tráng, súng ống, dùi cui, người dân bị kìm kẹp, đói khổ. Nay thành phố phát triển rất nhanh, cơ sở hạ tầng hội tụ đủ, là tiền đề để người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Những công trình, những dự án mới hợp lòng dân, phục vụ cuộc sống cho bà con. Phố núi Pleiku đã là ngôi nhà đoàn kết của những người dân đến đây an cư lập nghiệp, xứng đáng là trung tâm của “tam giác phát triển” ở Tây Nguyên.
Với tinh thần và trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền các cấp, và bằng nghị lực và quyết tâm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của quân và dân, tin tưởng rằng Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm, xứng đáng với vị thế của một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI