Xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật
Khoa học, công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn cho cuộc sống của con người, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội đối với những nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật.
Và dự án xây dựng thành phố thông minh, không rào cản cho người khuyết tật là một trong những dự án nhằm xóa bỏ những khoảng cách đó.
Công nghệ cần phục vụ tất cả mọi người
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác về người khuyết tật (2022) của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số liệu này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong Báo cáo Phân tích bối cảnh thực thi quyền của người khuyết tật ở Việt Nam (2023), UNDP đánh giá cao những nỗ lực Việt Nam trong cải thiện khả năng tiếp cận nhằm thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống chính trị và cộng đồng. Bên cạnh những thay đổi tiến bộ đó, UNDP nhận định tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc tăng cường sự hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật về công nghệ thông tin và truyền thông vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau.
Dự án Shinhan Square Bridge ViệtNam, chuỗi hoạt động của Làng Sáng tạo Mở xã hội thuộc TechFest Việt Nam 2023 kết hợp với các viện, trung tâm và trường đại học khác để tổ chức Tọa đàm “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật" vào ngày 17/4 vừa rồi.
Đây là dự án nhằm thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố thông minh phát triển bao trùm không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật.
Về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển bền vững và các hỗ trợ cộng đồng yếu thế thông qua các phát triển khoa học - công nghệ, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) phát biểu khai mạc: “Tọa đàm nhằm hướng đến việc thảo luận, trao đổi, hợp tác và đề xuất sáng kiến xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản dành cho mọi người, đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Đây là hoạt động có ý nghĩa chiến lược, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ nằm trong khuôn khổ Techfest quốc gia. Mọi đổi mới sáng tạo được sinh ra là để phục vụ con người, bao gồm cả các nhóm dễ bị tổn thương, từ đó phát huy nội lực tổng thể phát triển xây dựng đất nước”.
Dự án Shinhan Square Bridge được thành lập từ năm 2020 với 480 thành viên và đã gây quỹ dự án xã hội với giá trị lên đến hơn 1 tỷ won. Chương trình mong muốn là cầu nối để kết nối các hệ sinh thái Hàn Quốc và quốc tế từ những giai đoạn ươm mầm đầu tư cho đến khi đạt vườn ươm.
Mục tiêu của Shinhan Square Bridge là hỗ trợ hoạt động sáng tạo khởi nghiệp và tham gia vào hệ thống sinh thái khởi nghiệp, nhằm đưa ra tác động tập thể, chia sẻ thông tin và hợp tác xử lí những vấn đề phức tạp trong cộng đồng.
Ông Donguk Kim – Giám đốc cấp cao, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan cho biết: Tại Việt Nam, một trong các trọng tâm hỗ trợ của chúng tôi là thành phố thông minh không rào cản. Dự án đã hỗ trợ thành công hơn 180 đối tác tại địa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau như CNTT, đào tạo nghề, giáo dục điện tử... và mang lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật".
"Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp và thúc đẩy hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam để mang lại những giải pháp tốt hơn, giúp cộng đồng người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy hết các tiềm năng của mình,” ông Kim cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, Trưởng làng Sáng tạo Mở Xã hội, Techfest 2023, thành phố thông minh không có ý nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào công nghệ thông minh. Điều quan trọng hơn, công nghệ là để phục vụ con người, đảm bảo con người được an toàn, được phát triển bền vững và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam có tỷ lệ người khuyết tật cao, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến họ khó tiếp cận và tham gia các dịch vụ công cộng, đời sống kinh tế xã hội. Theo bà Phương Linh, những rào cản này có thể được phần nào xóa bỏ và giảm thiểu nếu chúng ta xây dựng một thành phố thông minh phù hợp, nơi kết nối tất cả các bên liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện, trường…
Từ đó, chúng ta có thể thiết kế, phát triển các ứng dụng, các phương thức để phục vụ cho mọi người, bao gồm người khuyết tật, trẻ em, người già, phụ nữ có thai… Và trên cơ sở đó, công nghệ có thể bao trùm tất cả mọi người.
Gỡ bỏ những rào cản
Chia sẻ cách tiếp cận của Viện đô thị thông minh và quản lý (ISCM), nghiên cứu sinh tiến sĩ Phạm Nguyễn Hoài - Giảng viên Viện Đô thị thông minh và Quản lý, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH chia sẻ 3 rào cản đối với người khuyết tật bao gồm: (1) Trải nghiệm cá nhân, (2) Rào cản về tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ và (3) rào cảo từ chính sách đến thực thi.
Nói về các giải pháp công nghệ, công nghệ kỹ thuật của thành phố thông minh có thể bao gồm các công nghệ kỹ thuật hiện đại như: ứng dụng di động, cảm biến thông minh, hệ thống giao thông thông minh, thiết bị hỗ trợ thông minh.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng để người khuyết tật tiếp cận cơ sở vật chất và dịch vụ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, các đối tượng dễ bị tổn thương, (bao gồm cả người khuyết tật) không thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng được cả những công nghệ đơn giản nhất.
Trong tọa đàm “Thành phố thông minh – Định hình tương lai”, các đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Overflow, LBStech, Rivo, Xinapase, Vulcan giới thiệu và chia sẻ về các giải pháp công nghệ thiết thực dành cho người khuyết tật để xóa bỏ các rào cản về tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
Các giải pháp, phương pháp và ứng dụng đổi mới sáng tạo mới được giới thiệu rất đa dạng như: giải pháp di chuyển cho người khiếm thị, giải pháp vật liệu và lắp đặt lát đường hướng dẫn cho người khuyết tật, ứng dụng mua sắm cho người khuyết tật, ứng dụng bàn phím thông minh, sách và phần mềm giọng nói, bàn tay giả... Tất cả những sáng kiến, sáng tạo này đều được thiết kế tâm huyết dựa trên nhu cầu của người khuyết tật.
Ông Lê Vũ Hồng Minh - Giáo viên trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ “Tôi rất ấn tượng với nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt của các tổ chức xã hội, viện trường và các doanh nghiệp khởi nghiệp để phát triển các sản phẩm và ứng dụng đổi mới sáng tạo cho người khuyết tật. Sự kết nối và công nghệ đã và đang được thúc đẩy, chính những người khuyết tật như chúng tôi cũng phải tự gỡ bỏ các rào cản đến từ chính bản thân mình. Chúng tôi ở đây tham gia tọa đàm ngày hôm nay chính là sự cam kết đồng hành cùng các bên liên quan để gỡ bỏ mọi rào cản đến từ người khuyết tật”.
Trong phần chia sẻ và thảo luận, đại diện những bạn khuyết tật chia sẻ mong muốn những đổi mới công nghệ, và sự hỗ trợ các bên liên quan có thể đáp ứng được những nhu cầu rất cụ thể của người khuyết tật như: nhu cầu có các công cụ, ứng dụng được học tập cao hơn, nhu cầu những người mẹ khiếm thị kiểm soát được việc vắt sữa và cho con bú, giải pháp để người khuyết tập tiếp cận và sử đụng được các ứng dụng công nghệ mà không tốn nhiều chi phí…
Phát biểu kết thúc tọa đàm, bà Hooyung Young, Phó chủ tịch tổ chức United Way Worldwide phụ trách khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc & Nhật Bản về dự án Shinhan Square Bridge Vietnam chia sẻ: “Những đổi mới sáng tạo, nỗ lực dù có hay đến mấy cũng không có tác dụng gì cả nếu không tiếp cận được người dùng, đặc biệt là người khuyết tật. Tinh thần đổi mới sáng tạo, thành tựu khoa học công nghệ phục vụ con người sẽ luôn cần đi đôi với sự đoàn kết hợp tác của các bên liên quan, cả hệ sinh thái, từ đó tạo nên sự thay đổi, đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau”.