Xây dựng thế trận lòng dân ngày thêm vững chắc
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sau hơn 10 năm thực hiện, diện mạo vùng nông thôn tỉnh Hà Giang có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện.
Trong thành quả chung này, có sự đóng góp quan trọng của Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hà Giang; qua đó, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân vững chắc, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Những việc làm cụ thể, thiết thực
Trước đây, các hộ dân ở xã vùng biên Thanh Đức, huyện Vị Xuyên muốn xuống được khu chợ trung tâm xã phải băng qua những con đường đất, dốc cao, mỗi lần trời mưa, đường trơn, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Với những người ốm đau cần cấp cứu, khi đến được cơ sở y tế thì đã có trường hợp trong tình trạng quá muộn... Nhưng giờ đây, nhờ chương trình xây dựng NTM, nhiều con đường nhỏ, lởm chởm đất đá đã được trải bê tông, rộng rãi. Phương tiện đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn.
Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM tại một tỉnh vùng cao biên giới, ông Đỗ Tấn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang cho biết, đối với Hà Giang, việc làm đường bê tông nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đây cũng là một trong những tiêu chí khó khăn nhất. Chính vì vậy, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm. “Tới nay, kết quả xây dựng NTM tại Hà Giang đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận, trong đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng vũ trang. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang là đơn vị tiên phong tham gia trong các tác tuyên truyền, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh, triển khai các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn...”, ông Đỗ Tấn Sơn nhấn mạnh.
Không chỉ ở xã Thanh Đức, đến với các bản, làng ở các huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần, Bắc Mê... chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về dân quân, bộ đội không quản ngại khó khăn, xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội; giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội. Như gia đình anh Dương Văn Pao, thôn Chín Chu Lìn, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, nhờ sự giúp đỡ của Ban CHQS huyện Quản Bạ cải tạo vườn tạp, nay gia đình anh đã có diện tích trồng cây đào để lấy quả nhiều nhất trong thôn với 200 gốc. Vụ đào năm 2021, gia đình anh Pao đã có 40 cây cho thu hoạch, thu nhập trung bình 200.000-300.000 đồng/cây. Từ hiệu quả của mô hình cải tạo vườn tạp, nhiều hộ gia đình khác trong thôn cũng học tập làm theo, quy hoạch vườn cây bài bản, quy củ. Với vai trò tiên phong trong xây dựng nếp sống văn minh NTM, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Ban CHQS 11 huyện, thành phố trực tiếp tham gia vận động, tuyên truyền người dân bài trừ các hủ tục trong việc cưới, việc tang. Tới nay, đồng bào đã từng bước nâng cao nhận thức xây dựng nếp sống văn minh.
Gắn bó cùng nhân dân
Hà Giang bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn khi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất và đất ở, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, trình độ dân trí thấp, không đồng đều. Theo Đại tá Trần Đại Thắng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, từ Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM" được phát động trong toàn quân, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm, nghĩa vụ thể hiện bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Hằng năm, kế hoạch thực hiện phong trào được xây dựng với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực và quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Từ năm 2019 tới nay, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo lực lượng tham gia 10 đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận. Huy động gần 24.000 lượt người tham gia củng cố, nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông nông thôn với 291,7km; nạo vét kênh mương nội đồng; nâng cấp trạm y tế xã; xây mới nhà văn hóa, xây dựng công trình vệ sinh cho 106 hộ nghèo; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tới hơn 7.000 lượt người; trồng mới gần 900ha rừng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo... Ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và bàn giao 1 điểm trường tại huyện Quản Bạ trị giá 1 tỷ đồng; hỗ trợ lắp đặt phòng học vi tính và hệ thống lọc nước tinh khiết phục vụ giáo viên, học sinh các trường dân tộc nội trú, xây dựng phòng học, hỗ trợ vật chất, đồng hành với các em học sinh đến trường. Hưởng ứng chủ trương của tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, từ năm 2021, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã huy động gần 1.900 ngày công giúp 217 hộ dân cải tạo vườn tạp; hỗ trợ 7.500 cây giống với tổng trị giá 48 triệu đồng... Đến nay sau hơn một năm triển khai thực hiện, chương trình cải tạo vườn tạp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tại các địa phương.
Từ những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM" trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quán triệt, tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo gắn với củng cố quốc phòng-an ninh.