Xây dựng 'thế trận lòng dân' trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
Những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông thời gian gần đây cho thấy việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi phải có kế sách dài hơi với những biện pháp cụ thể.
Độc lập, tự chủ trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Chủ quyền quốc gia dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, biển, đảo là phần hương hỏa mà cha ông để lại, là chốn đi về thân thuộc của bà con hàng trăm năm qua. Đặc biệt, với những ngư dân bao đời gắn bó với nghề biển, những vùng biển như Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Tây Nam… là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.
Biển, đảo Việt Nam còn là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng nhu cầu phát triển địa vực sinh sống, người Việt từ xa xưa luôn tìm cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn”, biến những đầm lầy hoang vắng, những vùng đất khô cằn ven biển thành các làng quê phì nhiêu, trù phú.
Nhìn về tương lai, theo ước tính, đến cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc đó, chúng ta cần phải tiến ra biển và Biển Đông sẽ là niềm hy vọng, là không gian sinh tồn cho các thế hệ mai sau. Với diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 1 triệu km2, tức là lớn gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền của Việt Nam, Biển Đông chiếm vị trí vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, tạo khoảng không gian cần thiết giúp kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền.
Chính vì thế, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mỗi công dân Việt Nam. Không những thế, đó còn là tình cảm tự nhiên, sâu thẳm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam, đồng thời là sự báo đáp đối với các thế hệ tiền bối đã xây dựng và gìn giữ Tổ quốc thiêng liêng qua hàng nghìn năm lịch sử.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước…”. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chủ động và kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Thực tế cho thấy chúng ta không thể dựa vào ai, càng không thể liên minh, liên kết, đi với bên này để chống bên kia trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, khi nào Việt Nam kiên định đường lối độc lập và tự chủ thì cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc thắng lợi. Trái lại, khi nào tinh thần độc lập và tự chủ không được phát huy đúng đắn, nhún nhường hay bị nước ngoài can thiệp, ép buộc thì nền độc lập của Tổ quốc bị đe dọa, đất nước bị xâm lược, thôn tính hay chia cắt lâu dài.
Những “tai mắt” và “thế trận lòng dân” trên biển
Để có hòa bình, ổn định thực sự trên biển, đảo, không còn một sự lựa chọn nào khác cho dân tộc Việt Nam là phải phấn đấu vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, có đủ nội lực cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Muốn thực hiện nhiệm vụ này thì phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, mà trực tiếp là lực lượng trên biển và ven biển. Trong đó, cần coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Lịch sử đã khẳng định dân là chỗ dựa cơ bản, dân là tai mắt, là lực lượng tại chỗ cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tạo ra thế chiến lược, vừa xây dựng vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ở các thời đại, ông cha ta đều rất coi trọng việc “an dân, quy tụ lòng dân, dựa vào dân” để bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia. Kế thừa truyền thống đó của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng luôn coi trọng vai trò to lớn của nhân dân, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của cả dân tộc để làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.
Nhận thức được vị trí, vai trò tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trên biển, trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ven biển đều rất quan tâm chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” thông qua hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo, trong đó có ngư dân. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay trên Biển Đông, ngư dân là lực lượng lao động đông đảo trong các hoạt động kinh tế biển, có khả năng bám biển dài ngày và trên khắp các vùng biển. Đây chính là lực lượng quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, tạo nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế; đồng thời, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước từ hướng biển.
Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho ngư dân bám biển là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo định hướng đó, Chính phủ đã rà soát, bổ sung và tích cực triển khai các chính sách ưu đãi đối với ngư dân sống bằng nghề vươn khơi đánh bắt, khai thác hải sản. Cùng với đó, hạ tầng được tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất sinh hoạt của ngư dân được cải thiện. Nhờ những việc làm thiết thực như tham mưu, giúp các địa phương phát triển kinh tế biển, chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy, hải sản; thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân đã được nâng lên đáng kể.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để các địa phương có biển phát triển, theo chỉ đạo của Chính phủ, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo đã phối hợp phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi đánh bắt hải sản, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta; đấu tranh kiên quyết với những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ven biển, trên biển. Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển được quan tâm đã góp phần hạn chế được những thiệt hại về người và cơ sở vật chất, giữ vững sự bình yên trên biển. Điều đó đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, trong đó có ngư dân, với Đảng, với Nhà nước, cổ vũ họ tích cực lao động sản xuất, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tất cả những việc làm đó đã góp phần tạo nên “thế trận lòng dân” trên biển để chúng ta có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào.