Xây dựng thêm lò cao chạy bằng than là ván cược tệ hại cho ngành thép
Ngành thép tiếp tục duy trì những nhà máy ô nhiễm, kém hiệu quả, bất chấp rủi ro 70 tỷ USD tài sản mắc kẹt.
Mặc dù các công ty và quốc gia đang hợp tác để phi các-bon hóa cho ngành thép, lĩnh vực sản xuất và phát triển thép toàn cầu vẫn chịu chi phối của phương thức luyện thép truyền thống là dựa vào than đá.
Do đó, ngành thép có nguy cơ phá hoại các mục tiêu khí hậu toàn cầu, hoặc gặp rủi ro hàng tỷ USD tài sản bị mắc kẹt.
Đây là phát hiện được đưa ra trong báo cáo mới nhất của tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor). Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát sâu rộng đầu tiên ở tất cả nhà máy sản xuất thép thô trên toàn cầu với công suất ít nhất 1 triệu tấn mỗi năm.
Theo kết quả cuộc khảo sát, khoảng 60% công suất luyện thép toàn cầu sử dụng phương thức sản xuất bằng lò cao - lò oxy cơ bản (BF-BOF). Đây là phương pháp sản xuất thép thải nhiều các-bon nhất với các phương án phi các-bon hóa hạn chế, khó khăn và chi phí cao.
Ngoài ra, hơn 3/4 công suất thép toàn cầu theo kế hoạch phát triển sử dụng phương thức BF-BOF thâm dụng than, thay vì các công nghệ thép sạch hơn như luyện thép bằng điện.
Các nhà máy thép BF-BOF thải nhiều các-bon mới đang được đề xuất và xây dựng, mặc dù công suất luyện thép đã cao hơn 25% so với mức sản xuất vào năm 2019.
Do mức công suất dư thừa này cùng với những tiến bộ đầy hứa hẹn trong công nghệ luyện thép ít phát thải, các nhà máy BF-BOF mới đang đối mặt với rủi ro các nhà sản xuất thép phải gánh chịu tài sản mắc kẹt lên tới 70 tỷ USD.
Báo cáo đánh giá ngành thép đang ở một thời điểm đầy rủi ro. Nếu các quốc gia và công ty không bắt đầu chuyển hướng khỏi sản xuất thép bằng BF-BOF, thế giới sẽ sa vào quỹ đạo mà ở đó, các mục tiêu khí hậu quốc tế gần như không thể thực hiện được.
“Cần phải có những nỗ lực và đầu tư lớn hơn để đảm bảo các công nghệ thép xanh, sạch hơn có thể được đưa vào sử dụng thương mại rộng rãi trong vài thập kỷ tới”, báo cáo nhấn mạnh.
Caitlin Swalec, nhà nghiên cứu và phân tích tại GEM, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, nhận định các lộ trình khí hậu cho thấy rõ ràng rằng, chúng ta cần chuyển đổi ngành thép hiện tại, từ sản xuất thép thâm dụng than sang sản xuất thép bằng lò điện. Cùng với đó, ngành công nghiệp thép cần tăng tốc hơn nữa về phi các-bon hóa.
Christine Shearer, Giám đốc Chương trình than của GEM, đánh giá xây dựng thêm các lò cao chạy bằng than là một ván cược thiếu khôn ngoan cho các nhà sản xuất thép, và cũng là một ván cược tệ hại cho hành tinh.
“Công suất sản xuất thép từ than cũng đã vượt xa sản lượng, chúng ta không cần phải xây dựng thêm chúng nữa”, vị này nhấn mạnh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, với công suất sản xuất thép toàn cầu cao hơn khoảng 25% so với sản lượng, nhiều nhà máy thép cũ và gây ô nhiễm có thể bị đóng cửa mà không làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Các quốc gia có tỷ lệ thừa công suất cao nhất trong tổng sản lượng năm 2020 là 27 nước EU và Anh với 26,6%, Nhật Bản 23,7%, Mỹ 20% và Trung Quốc với khoảng 13,5 - 20%.