Xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp: Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động

Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa (TCVH) tại các khu công nghiệp (KCN) là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng TCVH ở các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Công nhân Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam tham gia hoạt động thể dục thể thao do các cấp công đoàn cơ sở tổ chức.

Những năm qua, sự hình thành, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng vạn CNLĐ. Song cũng đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết về việc bảo đảm các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, nhất là việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... Xuất phát từ nhu cầu đó, đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011) ra đời và được triển khai thực hiện thời gian qua đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của CNLĐ. Theo Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”. Đến năm 2015 có 70% số công nhân và người sử dụng lao động được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 50% số công nhân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có KCN) hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển TCVH, thể thao phục vụ công nhân... Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ ngày càng được quan tâm; nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp về phong trào xây dựng đời sống văn hóa từng bước được nâng lên. Đáng chú ý là một số đơn vị, doanh nghiệp đã chú trọng sửa chữa, xây dựng các TCVH, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, thể dục, thể thao tại các KCN.

Điển hình trong việc xây dựng hệ thống TCVH cho CNLĐ phải kể đến một số đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Mía đường Lam Sơn (thuộc KCN Lam Sơn - Sao Vàng), Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Nhà văn hóa lao động của Liên đoàn Lao động (TP Thanh Hóa)... Tìm hiểu thực tế, tại Công ty CP Mía đường Lam, chúng tôi được biết: Trung tâm Văn hóa - Thể thao Lam Sơn được đầu tư xây dựng với diện tích 2,7 ha với các công trình như nhà thi đấu đa năng có sức chứa 2.500 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ khác, với tổng kinh phí đầu tư gần 40 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, TCVH này đã thu hút đông đảo CNLĐ tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do công đoàn cơ sở tổ chức; đồng thời, trở thành địa chỉ văn hóa, giải trí, nâng cao sức khỏe cho CNLĐ sau mỗi giờ tan ca hoặc ngày nghỉ. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại đây góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho CNLĐ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và góp phần thực hiện phong trào xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Mặc dù đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp chú trọng đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần công nhân tại các KCN thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống TCVH. Song thực tế có thể thấy, các TCVH phục vụ CNLĐ tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm tỷ lệ còn ít, một số KCN chưa có TCVH dẫn đến khi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phải sử dụng nhà ăn của mình, hoặc đi thuê lại các nhà văn hóa hoặc nhà thi đấu của địa phương trên địa bàn. Chính vì vậy, các hoạt động văn hóa thể thao phần lớn mang tính “mùa vụ”, nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đa số CNLĐ.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh cho biết: Những năm qua, đời sống vật chất của CNLĐ đã được các cấp chính quyền và doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, những hoạt động tạo ra các “sân chơi” văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; việc đầu tư xây dựng hệ thống TCVH cho CNLĐ tại các KCN vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của CNLĐ. Điều này, cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các doanh nghiệp phần lớn vẫn quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ; một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; hoặc vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống TCVH... Ngoài ra, cũng do CNLĐ thường xuyên phải làm việc tăng ca, nên ít có thời gian thư giãn, giải trí... Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng TCVH tạo sân chơi dành cho CNLĐ rất cần sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp để tiếp tục quan tâm đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống TCVH, thể thao trong KCN; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của CNLĐ.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/xay-dung-thiet-che-van-hoa-tai-cac-khu-cong-nghiep-nbsp-gop-phan-nang-cao-doi-song-tinh-than-cho-cong-nhan-lao-dong/154959.htm