Xây dựng thương hiệu cho đặc sản An Giang
Với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), An Giang hướng đến xây dựng thương hiệu, thị trường bền vững cho những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.
Đánh giá nghiêm túc
Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh An Giang vừa tổ chức họp đánh giá, phân loại sản phẩm (lần thứ 1) đối với 9 sản phẩm đã được các hội đồng OCOP cấp huyện thẩm định, thông qua với mức đánh giá từ 3-4 sao.
Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Tổ giúp việc của Hội đồng OCOP tỉnh (gồm đại diện các sở, ngành) đã tiến hành thẩm định, thảo luận, chấm điểm bước đầu.
Các sản phẩm được tham gia đánh giá lần này gồm: trà xạ đen của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên); đường thốt nốt sệt Palmania của Công ty Cổ phần Palmania (Tri Tôn); tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng (Thoại Sơn); tung lò mò của cơ sở ANAS (TX. Tân Châu); khô cá tra phồng của Công ty TNHH Trương Hải (TP. Châu Đốc); xoài sấy dẻo và vỏ bưởi sấy của cơ sở Như Bình (Châu Phú); gạo thơm Ngọc Nhân của Công ty TNHH Tín Thành ATC (Châu Thành); nước mắm Tân Lợi Hương của cơ sở Tân Lợi Hương (Châu Thành).
Nghệ nhân Võ Văn Tạng giới thiệu sản phẩm tranh lá thốt nốt
Qua thẩm định, kiểm tra kỹ hồ sơ và trao đổi, thảo luận nghiêm túc, Hội đồng OCOP tỉnh thống nhất đánh giá, chấm điểm đối với 6 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania của Công ty Cổ phần Palmania và tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng được đánh giá 4 sao.
Các sản phẩm được đánh giá 3 sao gồm: trà xạ đen của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang, tung lò mò của cơ sở ANAS và khô cá tra phồng của của Công ty TNHH Trương Hải. Riêng sản phẩm nước mắm Tân Lợi Hương được đánh giá 2 sao.
Theo quy định, sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên mới trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP An Giang. Hội đồng cũng thống nhất đề nghị chủ thể có sản phẩm gạo Ngọc Nhân sớm bổ sung hồ sơ để gửi cho từng thành viên đánh giá cụ thể, nếu đạt từ 3 sao trở lên sẽ đề nghị UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận trong đợt này.
Đối với các sản phẩm còn lại (xoài sấy dẻo và vỏ bưởi sấy của cơ sở Như Bình), Hội đồng đề nghị tiếp tục hoàn thiện sản phẩm (nhãn, công bố chất lượng...) để tham gia Hội đồng đánh giá đợt sau.
Cơ hội vươn xa
Có thể thấy, những sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên trong đợt thẩm định lần đầu tiên của Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đều là những sản phẩm mang nhiều tâm huyết, ý tưởng sáng tạo của chủ nhân.
Đây là những sản phẩm phát huy thế mạnh nguồn nguyên liệu tại địa phương, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có tiềm năng vươn ra thị trường thế giới.
Ví dụ như với sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania, cô gái trẻ Chau Ngọc Dịu (ngụ thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) đã chấp nhận từ bỏ công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh để về khởi nghiệp trên quê hương mình.
Dịu cho biết, để tạo ra sản phẩm đặc trưng, cô sử dụng nguyên liệu là loại đường thô, được nấu 100% từ nước lấy ở cuống hoa thốt nốt, không sử dụng phụ gia, hóa chất và không tách mật.
“Mật đường giúp giữ lại hương vị đặc trưng của đường thốt nốt, đồng thời đảm bảo sản phẩm có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp với khuynh hướng tiêu dùng hiện đại” - Chau Ngọc Dịu chia sẻ.
Là một người trẻ am hiểu về kinh doanh, Dịu đã đăng ký mã vạch, đăng ký thương hiệu và bảo hộ cho sản phẩm của mình. Cô dùng hũ thủy tinh để đựng sản phẩm, sử dụng nhãn mác thân thiện với môi trường.
Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, cô còn đăng ký bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử Tiki, kênh mạng xã hội Việt Nam, hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Mơ ước của tôi là xây dựng và phát triển công ty chuyên về sản xuất đường thốt nốt ở địa phương, phần nào tạo việc làm tại chỗ cho người dân và nâng cao giá trị đặc sản quê hương mình” - Dịu bộc bạch.
Với sản phẩm tranh lá thốt nốt, nghệ nhân Võ Văn Tạng đang tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn vùng Bảy Núi để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng cả nước; trở thành món quà thường xuyên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đặt hàng để tặng cho khách đến An Giang. Dù không xuất khẩu nhưng tranh lá thốt nốt đã theo chân các chính khách đến nhiều quốc gia.
Ông Tạng cho biết, mỗi năm ông mua khoảng 5 đợt lá thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên (khoảng 1.000 lá/đợt); việc lấy lá không ảnh hưởng đến cây thốt nốt. Cơ sở của ông hiện có 15 lao động với lương bình quân 5 triệu đồng/người, cùng ông tạo ra những sản phẩm tranh về Bác Hồ, Bác Tôn, những điểm nhấn du lịch An Giang, phong cảnh hữu tình, giúp lưu giữ và quảng bá hình ảnh An Giang đến bạn bè khắp nơi…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-dac-san-an-giang-a267113.html