Xây dựng thương hiệu cho hạt sachi
Không 'ôm mộng' làm giàu từ việc trồng sachi, điều mà chàng trai trẻ Trần Thanh Tùng (33 tuổi) thực hiện chính là có thể tạo dựng được thương hiệu cho loại hạt vốn mang trong mình giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại chưa được thị trường đón nhận xứng đáng.
Trở về quê hương khởi nghiệp
Ở tuổi 30, sau những vòng quay xô bồ của cuộc sống ở thành phố lớn, anh Trần Thanh Tùng tình cờ biết đến hạt sachi đang được người dân quê hương Lâm Hà của mình trồng được. “Và tự lúc nào, những thông tin về nó cứ xoay quanh và xuất hiện khiến mình không thể nào rời mắt và cứ lúc rảnh rỗi là tìm đọc”, anh Tùng kể.
Ngại ngần, đắn đo nhưng rồi anh quyết định quay trở về, lập nghiệp tại nơi mình sinh ra, gắn bó với nông nghiệp. Từ một bác sĩ mang áo blue trắng, anh về nhà khoác lên mình bộ quần áo lao động, lúc nào cũng cặm cụi trong xưởng để tìm ra phương pháp chế biến hạt sachi.
Tìm hiểu càng nhiều về sachi, không ít những thông tin tiêu cực khiến anh phải suy nghĩ về những thăng trầm mà loại cây trồng này đang phải đối mặt. Bởi hiện nay, nông dân không còn thật sự mặn mà với cây trồng từng một thời gây sốt, phá vỡ giấc mộng làm giàu của bao người. “Ông vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”…, những cái tên mĩ miều này không phải là điều hấp dẫn đối với anh.
“Quan trọng nhất đây là loại hạt có tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và các acid béo không bão hòa đối với con người rất cao, đạt đến 96%. Hạt sachi có thể làm được rất nhiều sản phẩm, từ thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… Chính vì thế, loại quả này được nhiều quốc gia nhập khẩu với số lượng lớn, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các thị trường khác vẫn đang bỏ ngỏ, vì nguồn cung không đủ”, anh Tùng chia sẻ.
Vốn không có nền tảng về nông nghiệp cũng như công nghiệp chế biến thực phẩm, bước đi ban đầu của Trần Thanh Tùng dường như trắc trở hơn. Nghe thông tin ở đâu có người trồng sachi là anh lại xách ba lô, chạy xe máy đến tận nhà hỏi mua. “Nhưng khi ấy sachi đang được giá, nông dân không muốn bán cho cá nhân nhỏ lẻ như mình. Tay ngang, lại trẻ tuổi, đụng cái gì khó cái đó nhưng quan trọng là mình xác định mục tiêu để rồi có thể kiên trì với nó”, anh Tùng tâm sự.
Anh đưa ra ví dụ về hạt đậu phộng, hạt cà phê, những nông sản rất đỗi quen thuộc của người dân Việt. Thế rồi từ những sản phẩm thô ban đầu, con người đã nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế mà anh nghĩ rằng, sachi hoàn toàn có thể làm được điều này. “Nếu tiến đến chế biến sâu, giá trị hạt sachi tăng lên gấp 4 lần. Đối với các loại nông sản khác cũng thế, đây là con đường tương lai chắc chắn phải đi”, anh Tùng chia sẻ thêm.
Xây dựng thương hiệu Sachi Sao Vàng
Anh Tùng bảo rằng lợi thế của tuổi trẻ chính là sự liều lĩnh và dám đánh đổi để đi tìm cái mới. Bởi khi ấy, trong tay không có nhiều vốn, phải thế chấp đất đai để vay ngân hàng. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà chỉ sau 3 năm tìm hiểu và hơn 2 năm đi vào sản xuất, sản phẩm sachi của anh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với thương hiệu Sachi Sao Vàng.
Đi đến nhiều nơi, trực tiếp mua hạt về nghiên cứu nên anh chắc chắn một điều, sachi có thể trồng và cho chất lượng cao tại nhiều nơi nhưng giá trị của nó lại chưa được đánh giá một cách chính xác. Sau nhiều lần thất bại, sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Rồi anh Tùng kể, cơ duyên một lần nhận được điện thoại từ đối tác Đài Loan, sẵn sàng đặt cọc để anh gửi hàng, sau đó, sản phẩm tinh dầu Sachi trở thành lựa chọn chính của đối tác.
Cũng như anh Tùng, anh Dương Mạnh Cường (thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn) cũng bị hấp dẫn bởi sachi, nhưng đắng cay hơn, 2 sào sachi trong vườn của anh vừa mới cho thu hoạch không lâu phải phá bỏ vì “không biết bán cho ai”. Nhìn từng bao sachi nằm trong kho, anh nghĩ đến việc chế biến thành trà.
“Tình cờ qua facebook, mình biết đến ý định của Tùng, thế là cùng nhau kết hợp. Thị trường lúc đó chưa tốt nên phải tốn khá nhiều thời gian lựa chọn hướng đi phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là tạo ra được các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và mong muốn người tiêu dùng trong nước có thể sử dụng những sản phẩm tốt nhất từ địa phương”, anh Cường cho hay.
Khi những người có chung ý tưởng gặp nhau, họ nhanh chóng kết nối. Vậy nên sản phẩm Sachi Sao vàng trên thị trường hiện nay đa dạng, từ trà túi lọc, dầu sachi đến các loại hạt như sachi tỏi ớt, sachi cacao, sachi cốt dừa…
Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh tìm đến các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai và một số xã Tân Thanh, Hoài Đức, Phúc Thọ… của huyện Lâm Hà. Bên cạnh đó, anh cũng tìm đối tác liên kết với nông dân Đồng Nai, xây dựng vùng nguyên liệu 15 ha, canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón cũng như các yếu tố hóa học, nhằm nâng cao chất lượng của hạt từ khâu đầu vào.
Hiện nay, sachi và các sản phẩm chế biến từ hạt sachi vẫn còn lạ lẫm với nhiều người tiêu dùng trong nước nhưng cả anh Tùng và anh Cường đều chắc chắn vào tương lai dựa trên giá trị, lợi ích thật sự mà sachi mang lại. Hiện đơn vị cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Lâm Hà trong thời gian tới.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/xay-dung-thuong-hieu-cho-hat-sachi-3036395/