Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóaĐiểm danh những lợi thếCộng đồng phải cùng chung tay

Tổ chức World Travel Awards vừa công bố kết quả bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 (WTA) khu vực châu Á năm 2020 bằng hình thức trực tuyến. Việt Nam vinh dự được gọi tên trong cuộc bình chọn các hạng mục 'Điểm đến di sản hàng đầu châu Á', 'Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á' và 'Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á'. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục này tại sự kiện được đánh giá là 'Oscar của ngành du lịch thế giới'. Sự kiện mở ra cơ hội lớn để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh ngành văn hóa, du lịch, khi mà tình hình dịch bệnh ở nhiều nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn với Bình Thuận, không phải là 'đất di sản', nhưng trong dòng chảy của lịch sử, của sự phát triển đất nước, nhiều di tích, nét văn hóa, ẩm thực mang đậm dấu ấn người miền biển vẫn còn được lưu truyền, làm phong phú thêm vùng đất vốn chỉ có 'biển xanh – cát trắng - nắng vàng'.

Xây dựng thương hiệu du lịch văn

Thống kê tại Bình Thuận hiện có 28 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia và 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích đều thể hiện sự đa dạng và đa sắc màu, phân bố trong không gian rộng lớn gắn với các cộng đồng tộc người, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Đây chính là thế mạnh quan trọng tạo tiền đề cho phát triển du lịch văn hóa. Tiêu biểu, trước đợt dịch Covid-19, nhiều điểm đến luôn đón nhận số lượng 200.000 – 500.000 lượt khách mỗi năm. Đáng chú ý, cụm di tích chùa Cổ Thạch, đình Bình An, lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh ước khoảng 1,1 triệu lượt khách/năm. Sự liên kết giữa các cụm di tích, kết nối tour, tuyến mang lại hiệu quả cao trong việc gìn giữ, quảng bá hình ảnh điểm đến và mở ra góc nhìn đầy đủ, bao quát hơn cho từng du khách.

Đi du lịch giờ không chỉ là thưởng thức cảnh đẹp, mà với nhiều người đi là để tìm về cội nguồn, gửi gắm niềm mong ước, tìm đến sự an yên. Bởi thế, trong những năm gần đây du lịch Phú Quý đã được “đánh thức”, tính riêng năm 2019 đón 42.300 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 105,75 tỷ đồng. Một huyện đảo chưa đầy 18 km2, nhưng có 2 di tích lịch sử, thắng cảnh cấp quốc gia là thắng cảnh Linh Quang tự, di tích lịch sử Vạn An Thạnh (xã Tam Thanh) và đền thờ Công chúa Bàn Tranh (xã Long Hải). Ngoài ra có 6 di tích cấp tỉnh khác nằm trên địa bàn 3 xã. Điều này nói lên tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch theo hướng khác biệt và độc đáo, hướng đến sự hài lòng của du khách.

Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại tháp PôSahInư

Là vùng biển quanh năm ấm áp, những loài hải đặc sản của vùng biển cuối cùng của cực Nam Trung bộ cũng được đánh giá ngon, ngọt, béo ngậy vị, đó là mực một nắng, cá bò hòm, cá mú. Bên cạnh đó, có nhiều món ăn dân dã như bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá, bánh quai vạc, bánh hỏi lòng heo... Không những pha trộn thêm hương vị của một số hải đặc sản miền biển mà các món bánh này còn hấp dẫn và độc đáo với thứ ăn kèm và loại nước mắm pha chế riêng. Rõ ràng đây là những điểm cộng, nếu có sự đầu tư hơn trong hình thức quảng bá.

Được biết, hiện Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang xây dựng đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”. Đề án tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực có thế mạnh của nước ta là ẩm thực và di sản, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Còn theo nghiên cứu của các nhà quản lý văn hóa trong nước, du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế (văn hóa, biển đảo, sinh thái, thành phố); có sức hấp dẫn, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch…

Dựa trên thế mạnh vốn có gắn với việc quảng bá, gìn giữ và tôn tạo, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã hướng dẫn ban quản lý một số di tích cấp quốc gia tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục bằng chính nguồn vốn tự có của di tích như chùa Hang (Tuy Phong), dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Núi (Hàm Thuận Nam), chùa Linh Quang (Phú Quý)… Cùng với đó, hàng năm Nhà nước đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để tôn tạo nhiều di tích trên địa bàn tỉnh như tháp PôSahInư, đình làng Đức Thắng (Phan Thiết), đền thờ công chúa Bàn Tranh (Phú Quý), đình làng Xuân An, đình làng Đông An (Bắc Bình)... Năm 2020, khởi công và đang thi công 4 công trình nữa là tu bổ di tích đình Xuân Hội (Bắc Bình) với tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ đồng; đình làng Tú Luông (Phan Thiết), tổng mức đầu tư gần 882 triệu đồng; vạn Tả Tân (Tuy Phong) hơn 2,5 tỷ đồng và đình Long Hương (Tuy Phong) gần 5 tỷ đồng.

Những con số được sửa chữa, trùng tu có thể còn hạn chế so với sức ép của đô thị hóa, tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu tác động lên di tích hiện nay. Để giải bài toán này, Bảo tàng tỉnh cho rằng, cần phải huy động tổng hợp vốn từ các nguồn khác nhau để chung tay bảo tồn, phát huy di tích và phục vụ du lịch văn hóa. Cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp quản lý di tích. Phải khai thác tiềm năng du lịch của di tích một cách hợp lý theo hướng kết hợp vừa bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” đặt ra đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/xay-dung-thuong-hieu-du-lich-van-hoa-133020.html