Xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Bài cuối: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao hướng tới mục tiêu xuất khẩu là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng xuất khẩu lẫn giá trị kinh tế. Nhưng để có thể tận dụng được cơ hội đó, khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Cơ hội nâng cao vị thế
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho gạo Việt, nhất là với sản phẩm gạo thơm tăng giá trị, vừa khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán được đơn hàng xuất khẩu gạo thơm với giá trên 1.000 USD/tấn.
Cụ thể, đầu tháng 9/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng của EU với tổng khối lượng lên đến 3 nghìn tấn. Lô hàng đầu tiên khoảng 150 tấn gạo với 2 loại gạo thơm là ST20 và Jasmine sẽ được giao trong tháng 9; trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thông tin, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế suất rất cao nên khó cạnh tranh được với gạo từ các quốc gia khác, đặc biệt là gạo Thái Lan. Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp các loại gạo thơm, chất lượng cao Việt Nam được giảm thuế về 0% (trong hạn ngạch 80.000 tấn/năm), gia tăng năng lực cạnh tranh.
Đáng nói là để được hưởng ưu đãi từ EU, các sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đều phải đạt chứng nhận chất lượng và có thương hiệu riêng. Điều này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ tại EU mà cả thị trường thế giới.
Hay Tập đoàn Lộc Trời cũng vừa ký kết hợp đồng xuất 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg sang thị trường EU, theo diện ưu đãi thuế suất 0% của Hiệp định EVFTA.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời thông tin, xu hướng sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại thị trường này. Ước tính, mỗi năm thị trường EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo, đây là cơ sở cho việc mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU trong thời gian tới.
Tập đoàn Lộc Trời đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào EU trong thời gian tới bằng việc tập trung nhiều nguồn lực vào việc đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của EU. Cùng đó, tăng diện tích vùng trồng lúa chất lượng cao để tăng sản lượng xuất khẩu; đa dạng hóa các loại giống, xây dựng thương hiệu một số giống lúa đã được chứng nhận của Việt Nam tại thị trường EU.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2020, xuất khẩu gạo ước đạt 5,012 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,46 tỷ USD; giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu duy trì tốc độ xuất khẩu như các tháng vừa qua, xuất khẩu gạo cả năm 2020 có khả năng đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn, tăng từ 5 -10% về lượng so với năm 2019 (6,37 triệu tấn). Mặt khác, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cũng đang ở mức cao nhất so với nhiều năm qua nên kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm dự báo sẽ cao hơn năm 2019.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty lương thực Sông Hậu, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty lương thực Sông Hậu, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Xây dựng thương hiệu từ chất lượng
Đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thời gian gần đây nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế trồng lúa phẩm chất thấp, dần chuyển sang sử dụng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tại Cần Thơ, bên cạnh các giống lúa thơm Jasmine 85, Đài Thơm 8, VD 20, những năm gần đây, người dân còn sản xuất các giống thơm khác như KDM, lúa Nhật, Hương Châu 6, Nàng Hoa 9...
Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, Cần Thơ xuống giống được 79.244 ha lúa; trong đó, các loại lúa thơm gồm Jasmine 85, Đài Thơm 8 và RVT chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích xuống giống, lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm 8%. Còn nhóm giống lúa có chất lượng gạo trung bình, phẩm cấp thấp (IR50404) chỉ chiếm 10% diện tích.
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng đang bước đầu triển khai thực hiện đề án “lúa thơm - tôm sạch” gắn với phát triển thương hiệu giống lúa ST. Đề án thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển diện tích trồng lúa ST lên 17.000 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, để triển khai tốt đề án này, tỉnh sẽ phối hợp các viện nghiên cứu thực hiện, mời gọi doanh nghiệp tham gia, liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín.
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao hướng tới mục tiêu xuất khẩu là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam thì chỉ chuyển đổi giống theo phong trào là chưa đủ mà cần có quy hoạch cụ thể cho từng chủng loại gạo. Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, Nhà nước, ngành nông nghiệp liên tục kêu gọi liên kết sản xuất lớn nhưng vấn đề là cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi. Việc doanh nghiệp hay nông dân bẻ kèo trong các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ hiện nay đều do thiếu nguồn vốn.

Lúa gạo thu hoạch theo mùa vụ với số lượng lớn nghĩa là doanh nghiệp cần có số tiền mặt lớn để thu mua dự trữ. Về phía nông dân khi bán lúa cho doanh nghiệp cũng muốn được thanh toán ngay để xoay vòng tái sản xuất cho vụ sau.”
Vì vậy, để phát triển chuỗi lúa gạo, chỉ liên kết doanh nghiệp – nông dân là chưa đủ mà nhất định phải có sự vào cuộc của ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay ngắn hạn để xuất khẩu gạo còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì hầu như chưa có ngân hàng nào làm.
Ông Lâm Định Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng cho rằng, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà cả ngay cả người Việt Nam cũng ngày càng ưa chuộng các loại gạo thơm, chất lượng cao. Tín hiệu tích cực là những năm gần đây Việt Nam đã sản xuất được các giống lúa chất lượng cao, được thế giới công nhận. Nhưng để phát huy giá trị các giống lúa đó thành thương hiệu cho ngành gạo Việt Nam cần có cơ chế liên kết sản xuất hiệu quả hơn.
Theo ông Lâm Định Quốc, quan niệm mỗi người dân trong vùng trồng lúa đều phải sản xuất lúa mới đảm bảo kinh tế gia đình không còn phù hợp. Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây là thanh niên đã di cư lên các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ làm công nhân rất nhiều vì sản xuất lúa diện tích nhỏ rất khó để tăng thu nhập, tích lũy tài sản. Do đó, Nhà nước cần có phương án chuyển đổi ngành nghề cho một bộ phận nông dân, đồng thời tạo cơ chế để doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Ngược lại, nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu cũng phải hình thành tư duy sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Nghĩa là, việc tổ chức sản xuất phải hội tụ đủ chất lượng giống tốt, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và các kỹ thuật canh tác đạt chứng nhận quốc tế. Chất lượng lúa gạo được duy trì ổn định là nền tảng cơ bản để xây dựng thương hiệu riêng cho từng loại gạo Việt Nam. Khi đã có thương hiệu, giá trị hạt gạo bán ra thị trường tăng lên thì lợi nhuận của người trồng lúa cũng sẽ được nâng lên tương xứng./.

Xuân Anh - Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-thuong-hieu-lua-gao-viet-nam-bai-cuoi-phat-trien-chuoi-gia-tri-lua-gao/171146.html