Xây dựng thương hiệu nông sản

Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện đầu tư lâu dài từ chăm chút cho chất lượng sản phẩm đến đầu tư quảng bá, phát triển thị trường. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các hình thức tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng bao bì, nhãn mác…, từ đó giúp nông sản tiêu thụ tốt không những ở thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn chỉ dẫn địa lý cho nông sản
Nền tảng chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững

Đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa

Đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa có ý nghĩa quan trọng tạo nên thương hiệu cho nông sản. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để các doanh nghiệp, hợp tác xã bảo vệ, nâng cao thương hiệu nông sản trên thị trường.

Từ nhiều năm qua, Đồng Nai rất quan tâm đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 225 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, có 95 nhãn hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp như xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); khổ qua rừng Hiệp Vân (TP. Long Khánh); sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch)… Trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm càng xanh Trà Cổ (huyện Tân Phú). Mục tiêu trong năm 2022, sẽ có 2 nhãn hiệu nông sản được chứng nhận là bưởi da xanh Vĩnh Cửu và bánh sữa Long Thành.

Đặc biệt, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai sâu rộng, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng thương hiệu cho nông sản trên địa bàn tỉnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 40 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. 99% sản phẩm OCOP đều đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đây là tín hiệu rất tích cực vì các chủ thể đã có sự quan tâm đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ trong quá trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản trên thị trường.

Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm, người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp An Hòa Hưng (phường An Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết, hợp tác xã mới thành lập, sản phẩm cũng chưa được thị trường biết đến nhiều nhưng nhờ chương trình OCOP, hợp tác xã được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ từ trực tiếp đến thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp cận được nhiều kênh truyền thông, báo chí nên sản phẩm được người tiêu dùng biết đến. “Điều này rất quan trọng với những hợp tác xã mới thành lập như chúng tôi vì chương trình OCOP được triển khai trên khắp các tỉnh, thành và nhờ chương trình này mà chỉ trong một thời gian ngắn, hợp tác xã đã mở được thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành”, bà Hoàng Thị Kim Anh thông tin thêm.

Nông sản Đồng Nai không những tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh thị trường xuất khẩu
Nguồn: ITN

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản

Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia đã đầu tư 1 nhà máy chế biến trái cây tại TP. Long Khánh và 1 nhà máy chế biến nông sản tại huyện Nhơn Trạch. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt trên các hệ thống, siêu thị lớn trong nước như Lotte, Winmart, Co.opmart, Aeon, Big C… Doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Đặc biệt, doanh nghiệp đang là nhà cung cấp hàng vào được các hệ thống siêu thị lớn của quốc tế như Costco, Walmart… với những yêu cầu hết sức khắt khe.

Kể về hành trình dài xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây chế biến, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia chia sẻ, hành trình xây dựng thương hiệu nông sản của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và thế giới là quá trình lâu dài, nhiều khó khăn từ xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu. Chăm chút về chất lượng, hoàn thiện về quy trình sản xuất không chưa đủ, doanh nghiệp còn đổ công, đổ của tích cực tham gia các chương trình hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá cho sản phẩm.

2 năm vừa qua, công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp không ít những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 6 đợt hội nghị giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cùng sự tham gia của 343 tiểu thương, tổ hợp tác, hợp tác xã và lãnh đạo các Sở, ngành trên địa bàn các huyện, thành phố; xây dựng 3 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”. Bên cạnh đó, cũng đã xây dựng sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng trang thương mại; tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân về mua bán, kinh doanh thương mại điện tử vì hiện đây là kênh hiệu quả hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường nông sản.

Các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng OCOP, mặt hàng chủ lực tiêu biểu có thế mạnh của tỉnh thông qua việc tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, hội thảo, hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành trong cả nước, Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Thảo Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/xay-dung-thuong-hieu-nong-san-i298419/