Xây dựng thương hiệu quốc gia 'Nghệ thuật sơn mài Việt Nam': Còn nhiều băn khoăn
Làm thế nào để sơn mài - chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, trở thành thương hiệu quốc gia trong công nghiệp văn hóa? Đó là câu hỏi mà Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa đưa ra với mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các học giả, nghệ sĩ... Nhưng, ngay cả với loại hình nghệ thuật đã được khẳng định này, việc xây dựng quy chuẩn thương hiệu quốc gia cũng còn rất nhiều băn khoăn.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Đưa sơn mài thành thương hiệu quốc gia
Nhắc đến sơn mài, thế giới nghĩ ngay tới mỹ thuật Việt Nam. Những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam trong thế kỷ XX đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Từ một chất liệu thủ công truyền thống có mặt ở nước ta vào khoảng 2.500 năm trước, nhiều thế hệ họa sĩ, khởi đầu từ các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX như Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí... đã đưa sơn mài trở thành một chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam.
Dự thảo “Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” mà Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa đưa ra lấy ý kiến cũng chỉ rõ: “Nghề sơn đã có một lịch sử lâu đời ở Việt Nam, sơn ta thường được dùng chủ yếu để sơn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa, đền đài... Sản phẩm sơn mài sử dụng sơn ta kết hợp với kỹ thuật mài có khả năng vô cùng đặc biệt, tạo nên các chất cảm khác nhau như chất mịn màng, óng chuốt, độ bóng, chiều sâu hay huyền bí, sang trọng... Sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt”.
Thực tế thì sơn mài Việt Nam có được những thành tựu đáng tự hào cả về phương diện thủ công mỹ nghệ lẫn hội họa. Đặc biệt ở lĩnh vực hội họa, nhiều bức sơn mài đã trở thành “Bảo vật quốc gia” như tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh của danh họa Nguyễn Gia Trí, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thanh niên thành đồng của Nguyễn Sáng, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của Dương Bích Liên, Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm.
Chính vì thế, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định: “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam có nhiều điều kiện và tính độc đáo trở thành một sản phẩm, tác phẩm khác biệt của Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của đất nước”.
Nhiều lúng túng
Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” có mục đích đưa ra những chỉ tiêu, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”.
Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài thế giới: Đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế 2 năm một lần; kích thích tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam trong nước và quốc tế... Thời gian thực hiện đề án từ năm 2020 đến năm 2030.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nội dung trong Đề án vẫn còn đang chờ lấy ý kiến chuyên gia. Ngay như người chấp bút cho Đề án này - ông Vi Kiến Thành, cũng thừa nhận bản thân ông khá lúng túng bởi công nghiệp hóa văn hóa là một lĩnh vực mới ở Việt Nam nên chúng ta chưa có mô hình, kinh nghiệm gì...
Trên thực tế, lĩnh vực sơn mài Việt cũng đang tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi, điển hình như về chất liệu. Trong Dự thảo Đề án quy định rõ tiêu chuẩn nguyên liệu: Sơn phải là sơn ta trồng ở Phú Thọ. Điều này về mặt lý thuyết là hoàn toàn đúng bởi chính nguyên liệu dân tộc này đã góp phần tạo ra sự độc đáo của sơn mài Việt.
Nhưng theo họa sĩ Triệu Khắc Tiến không chỉ ở Phú Thọ mới có sơn ta, mà cây sơn hiện trồng ở Đài Loan cũng cùng giống với cây sơn ta và trước đây cây sơn ta đã được người Nhật mang sang trồng tại Nhật Bản...
Cũng theo tìm hiểu của họa sĩ thì khách hàng mua sơn lớn nhất ở Phú Thọ hiện nay đa phần là người Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều họa sĩ Việt hiện sáng tác sơn mài nhưng lại không dùng sơn ta, ngay các hộ sản xuất ở làng nghề Hạ Thái cũng không còn dùng sơn ta Phú Thọ mà chuyển sang sơn công nghiệp.
Trong lịch sử, cũng có một giai đoạn do khó khăn về nguyên liệu nên nhiều họa sĩ ở phía Nam phải dùng nhiều loại sơn khác thay thế. Bởi vậy, theo họa sĩ Triệu Khắc Tiến khi xây dựng thương hiệu quốc gia cho sơn mài phải xác định rõ là về nguyên liệu, ngôn ngữ hay về kỹ thuật.
Việc phân định giữa sơn mài mỹ nghệ và tranh sơn mài cũng khiến giới chuyên môn băn khoăn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, phải xác định rất rõ chúng ta làm thương hiệu cho loại hình nào bởi nếu là mỹ nghệ thì yếu tố sản phẩm đã rõ, trong khi tranh sơn mài lại là những tác phẩm mang tính cá nhân, độc bản khó có thể đưa ra tiêu chuẩn chung.
Còn nghệ nhân Võ Minh Huấn ở làng nghề sơn mài Hạ Thái lại cho rằng không nên phân biệt hội họa sơn mài và mỹ nghệ mà chỉ nên coi hội họa sơn mài là đỉnh cao của sơn mài. Cách đánh giá có tính thống nhất như vậy sẽ góp phần tôn vinh sơn mài Việt nói chung...
Để xây dựng sơn mài trở thành thương hiệu quốc gia rõ ràng sẽ còn rất nhiều việc phải làm, mà trước tiên là giải tỏa được những băn khoăn về nghệ thuật này trước khi đưa ra được những quy chuẩn phù hợp với thực tế.