Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội: Cần sự chủ động của doanh nghiệp

Phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm ngày càng được các làng nghề ở Hà Nội coi trọng. Tuy nhiên, để sản phẩm của làng nghề có thể vươn ra thế giới với chỉ dẫn xuất xứ 'Made in Vietnam', rất cần sự chủ động của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Người dân gói bánh chưng tại làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì). Ảnh: Đỗ Tâm

Quan tâm hơn đến xây dựng thương hiệu

Thời gian qua, nhiều làng nghề truyền thống đã được UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Điển hình như quận Nam Từ Liêm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho làng nghề bún truyền thống Phú Đô, cốm Mễ Trì. Huyện Thường Tín cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); làng nghề chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong)... Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể và có hệ thống mã vạch riêng do Hợp tác xã Tranh Khúc quản lý. Huyện Mê Linh có dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh, huyện Mê Linh”...

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện nhiều làng nghề nhận xét, từ khi có thương hiệu trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, đời sống người lao động được nâng cao. Bà Nguyễn Thị Cúc (làng nghề bánh chưng Tranh Khúc) cho biết, hiện lượng sản phẩm tiêu thụ của gia đình bà cao hơn trước, đối tượng khách hàng cũng được mở rộng. Còn theo bà Chu Ngọc Lan (làng nghề cốm Mễ Trì), ngoài yếu tố chất lượng, người dân còn chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu cốm Mễ Trì để đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Đặc biệt, tại nhiều sự kiện quốc tế, cốm và các sản phẩm từ cốm Mễ Trì vinh dự được chọn là một trong 9 đặc sản của Hà Nội để giới thiệu, phục vụ các đại biểu. Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà cũng cho hay, các hộ dân làng nghề đã quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực đổi mới mẫu mã.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư xây dựng thương hiệu còn manh mún. Bên cạnh đó, việc dành nguồn kinh phí cho quảng bá thương hiệu cũng là một bài toán nan giải. Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Hải Thịnh (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Hải chia sẻ, hiện nay khâu quảng bá, tiếp thị, phân phối sản phẩm của công ty vẫn chủ yếu qua mạng xã hội hoặc các hội chợ, triển lãm... Để cân đối giá thành và lợi nhuận, mức kinh phí dành cho tiếp thị sản phẩm chỉ chiếm khoảng 10% so với chi phí vận hành, sản xuất.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, nhiều doanh nghiệp làng nghề chưa thực sự chú trọng tới tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Khó khăn lớn nhất là nhân sự phụ trách nghiên cứu thị trường, tiếp thị của doanh nghiệp ít hoặc gần như không có, trong khi quảng cáo thông qua các đơn vị dịch vụ thì chi phí quá lớn.

Cần thêm các cơ chế hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, để khắc phục bất cập về tài chính, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa thêm cơ chế bảo vệ hàng hóa trong nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu: Từ đào tạo kiến thức về đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm… Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất… Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với người tiêu dùng nước ngoài.

Có thể nói, xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển và bảo vệ thương hiệu, như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở kênh quảng bá trực tuyến, chú trọng công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm... Khi tạo dựng được hình ảnh tốt với người tiêu dùng, chắc chắn doanh thu bán hàng sẽ gia tăng, cơ hội mở rộng thị trường cũng sẽ lớn hơn.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/985986/xay-dung-thuong-hieu-san-pham-lang-nghe-ha-noi-can-su-chu-dong-cua-doanh-nghiep